Sunday, October 10, 2021

23 Trò Chơi Rèn Luyện Sự Tập Trung Cho Trẻ

 Sự tập trung giúp bé học tập tốt hơn, đồng thời cũng giúp bé luyện tập tính kiên trì và cẩn thận. Trẻ em có khoảng thời gian tập trung ngắn hơn so với người lớn. Do vậy khó có thể hi vọng một đứa trẻ có thể ngồi và tập trung trong một thời gian dài. Nếu bé biết cách tập trung tốt, bé sẽ nhanh chóng học được những điều mới mẻ, được cô giáo khen ngợi, hoàn tất nhanh những “nhiệm vụ” được giao. Ngược lại, bé sẽ rất lúng túng khi không theo kịp bài, lại bị cô thường xuyên la rầy, nhắc nhở. 

Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp con rèn khả năng này. Dưới đây là một số trò chơi được đơn giản giúp tăng cường sự tập trung của trẻ. Cha mẹ cùng tham khảo những trờ chơi rèn luyện sự tập trung cho trẻ ở dưới đây nhé! 


 
1. Trò chơi trí nhớ

Trò chơi trí nhớ là một trò chơi giúp cải thiện tốt kỹ năng tập trung cho trẻ, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như cho trẻ xem một hình ảnh trong vài phút rồi yêu cầu trẻ kẻ lại chi tiết những gì nhìn thấy trong hình, nhớ thứ tự của các hình để sắp xếp lại chúng trong một thời gian nhất định hoặc lật hình đoán thú, bé sẽ phải ghi nhớ vị trí của con thú để tìm được 2 hình giống nhau. Trò chơi này không chỉ yêu cầu trẻ phải tập trung mà còn giúp trẻ rèn luyện trí nhờ và khả năng tư duy của trẻ.

Bố mẹ có thể chuẩn bị một vài hình ảnh quen thuộc như hình con vật, ngôi nhà, trường học được ghép từ nhiều mảnh ghép khác nhau. Sau đó xáo trộn vị trí của các mảnh ghép để trẻ tự sắp xếp các mảnh ghép thành một hình hoàn chỉnh và chính xác. Đối với trò lật hình đoán thú, bố mẹ chỉ cần chuẩn bị hình các con thú trong đó mỗi con lại có 2 hình được đặt ở vị trí cách xa nhau. Trẻ sẽ lật từng hình và ghi nhớ vị trí của các con thú để tìm được 2 con giống nhau.

2. Trò chơi ghép tranh

Ghép tranh là một trong những trò chơi giúp bé phát triển tư duy, khả năng ngôn ngữ và kỹ năng tập trung cho trẻ tốt nhất. Trò này cũng giúp mắt và tay bé linh hoạt hơn, tạo ra sự phối hợp giữa hai bộ phận này. Những mảnh ghép đầy màu sắc sẽ giúp bé cảm thấy phấn khích và đây cũng là công cụ giảng dạy tuyệt vời của cha mẹ.

Để chơi trò chơi này, cha mẹ nên bắt đầu bằng việc mua một bộ ghép hình về những sự vật mà bé biết hoặc bé thích. Chẳng hạn với bé gái có thể là môt hình công chúa, bé trai là hình siêu nhân, các con vật gần gũi như con chó, mèo, gà, thỏ,… Sau khi chơi ghép hình nhiều lần, bé sẽ dần cảm thấy phấn khích, thích thú và tập trung hơn trong những hình ghép khó hơn.


 Với những bé lớn đang học chữ, để tăng cường kỹ năng tập trung cho trẻ, cha mẹ có thể cho bé chơi trò chơi lắp ráp bảng chữ cái, ghép các con số. Những mảnh ghép càng nhiều màu sắc sẽ càng khiến các bé thích thú và tập trung vào trò chơi của mình.

3. Trò chơi giải mã mê cung

Trò chơi giải mã mê cung có thể được thực hiện  trên giấy hoặc mô hình lắp ghép. Đây là trò chơi rèn luyện sự tập trung ở trẻ bởi con đường trẻ phải tìm có thể sẽ khá dài và bắt buộc trẻ không được xao lãng trong suốt quá trình.

Trong trò chơi này, để phát triển kỹ năng tập trung cho trẻ, cha mẹ hãy chuẩn bị một khối mô hình và lắp ghép thành một ngôi nhà và 2-3 đường đi, trong đó có 1 hoặc 2 đường đi về tới nhà, đường còn lại là đi vào ngõ cụt hoặc đi và rừng.

Cho trẻ một mốc thời gian phù hợp để tìm ra đường về nhà. Khi trẻ đã chơi quen trò này, hãy tạo ra các đường khó hơn, ngoằn ngoèo hơn.

Ngoài mô hình lắp ghép, cha mẹ cũng có thể dùng bút vẽ trên giấy. Hãy thay đổi chủ đề liên tục để bé không bị nhàm chán, chẳng hạn như giúp trẻ khi tìm đường để ăn được một quả chuối,…

4. Giải mã rubik 

Rubik là một “khối nhựa nhiều màu” đã “đốn tim” biết bao trẻ em trên khắp thế giới. Để giải được một khối rubik, trẻ cần ghi nhớ vị trí của các ô màu để di chuyển sao cho 6 mặt trờ về đồng màu. Việc chơi rubik giúp tăng kỹ năng tập trung cho trẻ, khả năng tư duy logic và khả năng ghi nhớ để giải quyết vấn đề.

Với trẻ nhỏ, lần đầu chơi rubik sẽ khiến các bé khá lúng túng và gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, bố mẹ có thể hướng dẫn con giải quyết từ từ từng tầng một cho đến khi trẻ thuần thục. Một mẹo nhỏ là nếu phụ huynh cũng không biết cách giải rubik thì có thể lên youtube xem video hướng dẫn chi tiết.

5. Xếp hình tháp và lâu đài. Xếp các thanh gỗ lên cao.

Các hình khối với nhiều kích thước và chất liệu khác nhau tùy thuộc vào đô tuổi của bé là phương pháp đơn giản nhất và giúp bé tự sáng tạo ra những lâu đài riêng biệt của mình.


Trò chơi này sẽ giúp bé rèn luyện kỹ năng cầm nắm, cùng cổ tay và các ngón tay, sự tỉ mỉ, tập trung cao độ vì chỉ cần lơ là một chút thôi, cả lâu đài có thể sụp đổ.

6. Thi xem ai nhìn đồ vật lâu nhất


Mẹ hãy đặt một đồ vật nào đó ở giữa phòng và yêu cầu trẻ chỉ nhìn vào đồ vật đó. Ai có thể ngồi quan sát lâu nhất mà mắt vẫn nhìn vào đồ vật yêu cầu thì sẽ là người chiến thắng. Trò chơi này đòi hỏi sự tập trung tối đa, và đây là cuộc thi nên bé sẽ cố hết mình để dành chiến thắng. Mẹ có thể tổ chức trò chơi này giữa người lớn với các con hay giữa các nhóm trẻ khác nhau.

Sau khi nhìn lâu rồi ( 5 phút, 10 phút,...), cha mẹ và trẻ cùng thi xem ai kể lại (hoặc viết lại ra giấy nếu thi theo nhóm) được nhiều đặc điểm của vật chính xác hơn, mô tả giống nhất, cụ thể và chi tiết nhất, nhiều nhất,...sẽ được nhận quà.

7. Trò chơi hít vào thở ra


Để trẻ hít vào thật chậm, tập trung vào hơi thở và mẹ sẽ đếm đến 10, sau đó để trẻ thở ra càng chậm càng tốt. Hãy cho bé tập thêm một vài lần nữa và tăng sự tập trung.

8. Trò chơi ngón tay


Để trẻ xoè bàn tay ra sau đó gập từng ngón tay thật chậm. Sau khi đã gập tất cả các ngón tay lại, trẻ bắt đầu xoè từng ngón ra cũng thật chậm rãi. 

Trong quá trình chơi, trẻ sẽ phải rất tập trung vào từng ngón tay để có thể xoè hay gập từng ngón tay của mình. Với trò chơi này, bé có thể chơi với các bạn ở lớp mẫu giáo.

9. Cho trẻ đọc sách


Có thể nói rằng đọc sách là một thói quen hữu ích nên được phát triển trong giai đoạn đầu của cuộc sống. Mẹ nên mua một số cuốn sách hay truyện tranh về động vật, cuộc sống để con có thể tìm hiểu thêm về tất cả mọi thứ trên thế giới.


Việc hình thành thói quen này cho trẻ không phải là một việc đơn giản. Đôi khi mẹ có thể cho bé đọc sách ở những địa điểm nào mà nghĩ rằng thích hợp để trẻ rèn luyện khả năng tập trung. Cho con đọc sách ở những nơi ồn ào là một cách tăng cường sự tập trung của trẻ.

10.  Trò chơi: Kể tiếp ý người khác.

- Có 2 người hoặc 2 đội chơi. 

- Cách chơi: Cùng kể về các chi tiết của một người, đồ vật hoặc con vật (theo hình ảnh hoặc đồ vật cụ thể).

- Quản trò: Chọn 1 đồ vật bất kỳ trong hộp bí mật (quản trò chuẩn bị cho vào 1 hộp kín). Sau đó cho đội 1 kể các chi tiết. Quản trò dừng lại bất kỳ thời điểm nào thấy hợp lý. Sau đó để đội 2 kể tiếp các chi tiết của đồ vật đó. Yêu cầu không được kể lặp lại. Nếu thử thách thành công thì đội 2 được điểm. Nếu kể lặp lại chi tiết thì đội 1 được điểm. Sau đó đổi lại thứ tự cho đội 2 kể trước với đồ vật tiếp theo.

11.  Trò chơi: “vẽ hình – đoán chữ”

Chuẩn bị: tờ giấy trắng, bút màu hoặc bút bi nhiều màu.

Cách thực hiện:

Đầu tiên các bạn nên nghĩ mình sẽ nghĩ về chủ đề gì và sắp xếp các ý tưởng trong đầu trước khi chơi trò này với trẻ. (Ví dụ: Bạn muốn vẽ một ngôi nhà, hãy phân chia ngôi nhà thành nhiều bộ phận để vẽ dần dần).

 Tiếp theo bạn vẽ 1 bộ phận của ngôi nhà như 1 hình chữ nhật, bạn hỏi trẻ “đố con mẹ vẽ cái gì?” trẻ sẽ đoán đủ thứ nào là vẽ ô tô, vẽ cuốn sách. Bạn tiếp tục vẽ thêm những ô cửa sổ trong ngôi nhà đó và hỏi lại trẻ “mẹ vẽ thành hình gì nữa đây?”. Trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú nên trẻ có thể đoán bạn đang vẽ 1 hình siêu nhân hoặc người ngoài hành tinh. Hãy nhớ rằng sau khi bạn vẽ xong chi tiết nào đó hãy hỏi trẻ “mẹ đang vẽ hình gì nhỉ” bạn hãy đặt câu hỏi để trẻ chú ý vào nét vẽ, nhớ vẽ thật chậm và thay đổi màu sắc của nét vẽ. Bạn nên sử dụng bút nhiều màu để cho hình ảnh thêm sinh động.

12. Trò chơi sắp xếp đồ vật theo thứ tự ban đầu. 

(Có thể áp dụng với việc nhận biết thứ tự các bức tranh nhiều chủ đề khác nhau để tạo sự thú vị cho người chơi, có thể chơi nhiều tuần khác nhau).

- Chuẩn bị: Quản trò chuẩn bị một số đồ vật được xếp theo thứ tự nhất định. Sau đó quản trò chụp ảnh lại để lưu giữ vị trí ban đầu. (Có thể để các đồ vật theo số thứ tự được viết trên giấy). 

- Cách chơi: Có thể chơi nhiều vòng. 

+ Mỗi vòng quan sát thời gian giảm dần để tăng độ khó. Quản trò cho người chơi quan sát thứ tự các đồ vật trong 3 phút (vòng 1), 2 phút ở vòng 2 và 1 phút ở vòng 3. 

+ Sau thời gian quan sát, quản trò bảo người chơi nhắm mắt lại, hoặc quay mặt đi chỗ khác, sau đó hoán đổi vị trí, thứ tự các đồ vật. Sau đó bảo người chơi quay lại và sắp xếp lại các đồ vật theo thứ tự ban đầu. 

+ Nếu hoàn thành thử thách thì sẽ được tính điểm. Đủ điểm thì sẽ được nhận quà hoặc khen ngợi, khích lệ,...

13. Trò chơi “Xâu hạt” giúp trẻ phát triển vận động và khả năng tập trung.

Có thể bạn đã nghe qua trò chơi “Xâu hạt” không những hoạt động giúp phát triển vận động ngón tay linh hoạt kích thích phát triển vận động tinh, ngoài ra nó còn rèn luyện sự tập trung cho trẻ rất tốt. Chúng ta cùng nhau xem trò chơi này cần những gì nào?

Chuẩn bị: Bộ xâu hạt (được bán nhiều ngoài nhà sách và thiết bị trường học hoặc nơi bán văn phòng phẩm, đồ chơi trẻ em)

Cách chơi:

Đầu tiên bạn đưa ra số hạt (hạt tròn, vuông,..) yêu cầu trẻ xâu hạt vào hết vào sợi dây đi kèm sản phẩm (ví dụ: 5 hạt), sau đó tăng dần số hạt càng nhiều càng tốt. Để tăng khả năng sáng tạo của trẻ ta sẽ hướng dẫn trẻ xâu hạt xen kẽ (ví dụ: 1 màu xanh, 1 màu đỏ, hoặc 1 con cá, 1 con vịt…).

14. Giả vờ như người gỗ

Để trẻ ngồi trên chiếu với hai chân lưng thẳng, giữ cơ thể thẳng, mắt nhắm, cơ mắt được thư giãn tự nhiên, ngồi trong 5 phút không lắc, không động đậy không chớp mắt, giả vờ mình là người gỗ. Thời gian sau, trẻ quen rồi có thể thêm khó khăn hơn như đặt một cái cốc hay một cuốn sách lên đầu, hoặc mở mắt nhìn tập trung vào một điểm. Thời gian có thể kéo dài thêm 10 phút. Cha mẹ có thể ghi nhật ký số lần trẻ cử động nhỏ hoặc nháy mắt. Nếu trẻ kiên trì, cố gắng hãy thưởng khích lệ cho trẻ. Việc luyện tập này có thể làm tăng sự kiên nhẫn và chú ý cho trẻ.

15. Ngồi như đồng hồ

Ngồi trên ghế, mắt nhắm lại tập trung sự chú ý âm thanh, chú ý lắng nghe âm thanh nào xung quanh mình. Những âm thanh này đến từ đâu? Các đặc điểm của những âm thanh này là gì?

16. Trò chơi diễn tập

Cho trẻ xem sách vẽ trong vòng 15 phút hoặc kể chuyện rồi yêu cầu trẻ lặp lại theo yêu cầu. Để tránh cho việc trẻ không chịu tập trung, bạn chỉ cần yêu cầu trẻ dựa trên bức tranh đó hoặc câu chuyện đó mà linh hoạt sắp xếp để kể lại. Bạn có thể đặt một vài câu hỏi lớn, yêu cầu trẻ vẽ lại những hình ảnh trẻ vừa nghe thấy hoặc nhìn thấy, hoặc có thể diễn lại dẽ sẽ dần dần hiểu được yêu cầu cần thiết của sự tập trung.

17. Bài tập ghép hình hoặc trò chơi Tangram

Đây là chương trình rèn luyện sự tập trung chú ý hiệu quả nhất trong không gian 2D đòi hỏi trẻ phải duy trì khả năng phán đoán, trí tưởng tượng và khả năng phân tích liên tục trong khoảng thời gian dài.

 

 Và thử thách của trò chơi này sẽ mang lại cho trẻ cảm giác đạt được thành tích. Trên thực tế cảm giác đạt được thành tựu chính là động lực rất lớn để trẻ em đạt được khả năng tập trung cao.

18. Bài tập về Domino

Khoảng 70% trẻ em thiếu tập trung đã đạt được tiến bộ lớn trong việc rèn tính kiên nhẫn thông qua bài tập về trò chơi Domino. Trò chơi Domino thật sự là một bài huấn luyện tuyệt vời để kiểm tra một đứa trẻ có thể giữ được kiên trì trong thời gian bao lâu. 

Luyện tập trò chơi Domino là một cách hiệu quả duy trì sự tập trung. Cảm giác hồi hộp khi đẩy hàng trăm quân Domino ngay lập tức cho phép trẻ có cảm giác hạnh phúc đã đạt được thành tích, và trẻ có thể vượt qua tính đơn điệu của sự tập trung.

19. Phương pháp Schulte (luyện tập sự tập trung chú ý và cao độ của thị giác)

Trong một bảng có 25 ô vuông nhỏ, điền các số 1-25 đã được xáo trộn, sau đó bằng tốc độ nhanh nhất vừa đọc số vừa chỉ ra số. Trẻ em từ 7-8 tuổi tìm các chữ số theo biểu đồ từ 30-50 giây, người lớn nhìn thấy biểu đồ trong khoảng từ 25-30 giây.

20. Loại bỏ số lượng hoặc ký hiệu (huấn luyện sự kiên trì tập trung chú ý)

Ví dụ cho trẻ một dãy số nhìn kỹ và khoanh tròn số thứ 2 sau số 5

27568456954321548655792574358946743259875638578902315

21. Chơi bóng bàn/ cầu lông

Đây là trò chơi yêu cầu tập trung chú ý, bố mẹ cũng có thể thử phương pháp được cho là rất hiệu quả này.

22. Cho trẻ nghe nhạc và hát theo

- Nghe nhạc cũng kích thích trẻ chú ý ghi nhớ lời bài và giai điệu của bài hát, đến lúc nào đó trẻ nghe được bài hát thì trẻ cũng ngân nga theo.

- Khi chơi: Cùng mở câu hát bất kỳ, xem ai có thể lặp lại câu hát đó chính xác nhất là đạt điểm.

23. Trò chơi: Tìm thủ đô các nước trên bản đồ thế giới.


 
- Chuẩn bị: Bản đồ thế giới hoặc quả địa cầu.

- Cách chơi: Quản trò bấm giờ, xem trong một thời gian nhất định (5 phút/ 10 phút...). Xem người chơi tìm được bao nhiêu thủ đô của các nước nhất là chiến thắng. (các đội chơi ghi lại tên các thủ đô chính xác vào giấy).

* Có thể thay việc tìm thủ đô là tìm tên các quốc gia/ các thành phố trong một nước...

(Sưu tầm và bổ sung)

Chúc các cha mẹ có nhiều thời gian học và chơi thú vị cùng con nhé!

0 comments:

Post a Comment

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân
Rèn Luyện Đạo Đức, Trí Tuệ và Nghị Lực Cùng Con

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân
Số Học Ứng Dụng - Công cụ giúp cha mẹ Nuôi dạy con Trưởng thành trong Hạnh phúc