Làm Bạn Với Con

Chào mừng bạn đến với Blog Làm Bạn Với Con, Hạnh Phúc Mỗi Ngày.

Chơi Với Con

Khoảng thời gian chơi với con sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, tạo nên những kỉ niệm hạnh phúc trong cuộc sống.

Học Cùng Con

Học tập là hoàn thiện và phát triển bản thân.

Cùng Con Rèn Luyện

Gia đình là đội nhóm vô địch. Gia đình là nơi cùng học tập, vui chơi, rèn luyện, chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Tình yêu thương là nền tảng của hạnh phúc

Yêu thương có trí tuệ sẽ giúp con cái trưởng thành trong hạnh phúc, bình an và thành đạt.

Monday, December 19, 2022

Bốn Năm Vươn Lên Hạng Nhất Bang Của Nữ Sinh Việt ở Australia

 Sang Australia du học với vốn tiếng Anh chỉ "đủ để qua môn", sau bốn năm, Tâm Như được bang New South Wales vinh danh với giải Thành tích học tập xuất sắc.

Nguyễn Lý Tâm Như hiện là sinh viên năm nhất ngành Y (Doctor of Medicine) của Western Sydney University. Hồi cuối tháng 4, cựu học sinh trường Trung học Bonnyrigg ở thành phố Sydney được Cơ quan Giáo dục bang New South Wales (NSW) vinh danh là sinh viên quốc tế có thành tích học tập cao nhất bang với thứ hạng ATAR 99,85 trên 99,95.

Như đoạt giải Thành tích học tập xuất sắc (Academic Achievement Award) trao cho học sinh quốc tế có thành tích nổi bật nhất ở các trường trung học công lập. Để có được kết quả này, nữ sinh Sài Gòn đã trải qua chặng đường dài với nhiều nỗ lực, từ một cô bé có khả năng tiếng Anh "chỉ đủ qua môn" lúc mới sang du học.

Như nhập học ngành y, Western Sydney University, hồi tháng 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 Như nhập học ngành y, Western Sydney University, hồi tháng 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2018, Như sang Australia khi học xong lớp 8 tại một trường quốc tế ở TP HCM. Dù luôn đạt điểm cao với các bài thi tiếng Anh, khi bước vào trường học ở Australia, Như "vỡ mộng".

"Tiếng Anh ở đây khác với những gì em học tại Việt Nam. Em chỉ có vốn từ cơ bản, trong khi để được điểm tốt cần có vốn từ sâu rộng hơn", Như kể.

Vốn nhút nhát, ít nói, Như càng tự ti, ngại giao tiếp vì nghĩ tiếng Anh chưa đủ tốt. Nữ sinh Việt cho hay, mơ ước của em là học ngành Y để trở thành bác sĩ. Nếu tiếng Anh kém, em không thể thực hiện nguyện vọng của mình.

"Nỗi lo lắng ấy thôi thúc em phải học tốt tiếng Anh. Ngành Y yêu cầu đầu vào cao lại học khó nên em chỉ biết phải học thật tốt và đạt điểm cao", Như nhớ lại.

Từ đó, Như đọc nhiều sách để tích lũy từ vựng, xem phim để cải thiện kỹ năng và tích cực trao đổi với thầy cô trong trường để được hướng dẫn học hiệu quả.

Tại trường em, học sinh lớp 9 được thi vào lớp cấp tốc (accelerated class) học trước một năm. Lúc em tới đây, lớp đã bắt đầu học. Muốn vào lớp này, Như buộc phải đạt 100 điểm ở cả ba bài thi cuối kỳ. Đầu năm lớp 10, Như mới được chuyển qua lớp cấp tốc nhưng khi ấy các bạn đã học đến chương trình lớp 11.

"Em học chương trình song song, lớp 10 và lớp 11. Vì vào sau nên em phải tự học nhiều hơn, cũng phải nỗ lực rất nhiều", Như nói.

Như (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng các đại diện cơ quan Giáo dục bang NSW tại lễ trao giải cuối tháng 4. Ảnh: DE International

 Như (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng các đại diện cơ quan Giáo dục bang NSW tại lễ trao giải cuối tháng 4. Ảnh: DE International

Tại bang của Như, học sinh lớp 12 được lựa chọn môn học yêu thích, có khả năng đạt điểm cao và học ít nhất 10 unit (tín chỉ). Trung bình mỗi em sẽ học 5-6 môn, trong đó mỗi môn có số unit khác nhau. Với lợi thế môn Toán, Như chọn Toán 4 unit, tương đương hai môn; và chỉ cần chọn ba môn khác, mỗi môn hai unit, gồm tiếng Việt, Hóa và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Do đã học trước môn Toán ở lớp cấp tốc và thi Toán 4 unit (đạt hạng nhì) từ lớp 11, năm lớp 12, Như chỉ phải thi ba môn còn lại. Em đạt hạng nhất môn tiếng Việt, Hóa học và nhì môn tiếng Anh, trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường Trung học Bonnyrigg.

Như cho hay, ATAR là xếp hạng quan trọng với những học sinh muốn vào đại học ở Australia. Đây là thước đo thứ hạng giữa các học sinh cùng dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước này, quyết định việc bạn vào được trường đại học nào dựa trên nguyện vọng đăng ký. Nếu đạt điểm ATAR 70, nghĩa là bạn đã hoàn thành tốt hơn 70% học sinh trong năm đó.

Theo thầy Huỳnh Thái Bình, giáo viên ngôn ngữ, trường Trung học Bonnyrigg, mỗi năm, tiểu bang New South Wales có 65-70.000 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp, trong đó chỉ vài chục em đạt ATAR trên 99.

Thứ hạng ATAR cao đồng nghĩa với việc học sinh có nhiều cơ hội ở các trường top và ngành top. Ngành Y là một trong các ngành đòi hỏi ATAR cao ở Australia. Tùy từng trường, yêu cầu về ATAR sẽ khác nhau, ví dụ ngành Y của University of Sydney là 99,95; University of New South Wales lấy 98...

"Như là học sinh xuất sắc, mạnh ở môn Toán. Em được cả trường ngưỡng mộ. Giải thưởng Như đạt được đã mang về danh tiếng và sự hãnh diện cho nhà trường", thầy Bình nói.

Cô Angela Nguyen, phụ trách du học sinh của trường, cho biết thêm, đây là lần đầu tiên trường Bonnyrigg nhận giải thưởng học sinh quốc tế. Các du học sinh trong trường xem Như là một tấm gương để học tập.

"Tôi không bất ngờ vì biết Ruby (tên tiếng Anh của Như) là một học sinh thực sự chăm chỉ. Em ấy xứng đáng với sự công nhận này", cô Angela nói.

Cô giáo nhận xét, Như luôn chủ động trong việc học. Lúc mới tới trường, em đã quá muộn để tham gia vào lớp cấp tốc nhưng sau đó em chứng minh mình có khả năng đứng đầu lớp bằng cách tự học trong khoảng thời gian ngắn.

"Như đã nỗ lực rất nhiều để đạt được những gì đề ra. Em là đội trưởng học sinh quốc tế của trường, cân bằng tốt việc học với các hoạt động xã hội để có những đóng góp tích cực cho cộng đồng", đại diện nhà trường chia sẻ thêm.

Với Như, giải thưởng học sinh quốc tế là một phần thưởng cho những nỗ lực, giúp em có cơ hội biến ước mơ thành sự thực. Những ngày này, Như đang bận rộn chuẩn bị thi cuối kỳ ở đại học.

"Trở thành bác sĩ, em sẽ có điều kiện chăm sóc người thân và giúp đỡ cộng đồng tốt hơn", Như nói.

Như chụp ảnh lưu niệm cùng cô Angela Nguyen (bìa phải), thầy dạy Toán Anthony Tran (bìa trái) và các bạn trong ngày tốt nghiệp trung học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Như chụp ảnh lưu niệm cùng cô Angela Nguyen (bìa phải), thầy dạy Toán Anthony Tran (bìa trái) và các bạn trong ngày tốt nghiệp trung học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô gái cao chưa đầy 1 m giành học bổng chính phủ Australia

 Đang có thu nhập tốt nhờ khởi nghiệp, Đinh Thị Lý vẫn quyết định tạm dừng công việc, xin học bổng du học để có kiến thức mở rộng doanh nghiệp.

Đinh Thị Lý, 31 tuổi, lên đường du học thạc sĩ ngành Quản lý của Đại học La Trobe, thành phố Melbourne, hồi tháng 6. Lý giành học bổng chính phủ Australia năm 2019 nhưng hành trình du học của cô bị gián đoạn vì dịch bệnh.

Lý sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Dương. Trong bốn chị em gái, Lý có ngoại hình thấp bé nhất nhà, lên ba tuổi mới bắt đầu biết đi. Năm Lý lên 8 tuổi, nhận thấy bất thường ở đôi chân con gái, vợ chồng bà Nguyễn Thị Quyết đưa đi khám mới biết con thiếu hormone phát triển chiều cao và không thể chữa trị.

"Tôi quyết định cho con về", bà Quyết, 62 tuổi, kể.

Lý đi xe lăn điện bốn bánh đến trong khuôn viên Đại học La Trobe, Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lý đi xe lăn điện bốn bánh trong khuôn viên Đại học La Trobe, Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà bà Quyết ở sâu trong ngõ nhưng để con không tự ti về ngoại hình và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, vợ chồng bà mở quán bán hàng. Đôi chân ngắn khiến Lý không đi bộ được quá 100 m và luôn có người nhà hỗ trợ đưa đón. Dù vậy, Lý ham học và luôn đạt học sinh giỏi suốt những năm phổ thông.

"Con bé nhanh trí từ nhỏ và luôn suy nghĩ lạc quan", bà Quyết chia sẻ.

Sau khi Lý đỗ ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, bà Quyết cũng theo con để tiện chăm sóc. Hàng xóm khuyên bà không nên "đầu tư" vì Lý học xong chưa chắc đã xin được việc.

"Nhưng tôi lại nghĩ khác. Nhiều người khuyết tật khổ hơn con mình mà vẫn vươn lên được, trong khi trí tuệ Lý bình thường, thậm chí học được. Tôi sẽ cho con học đến nơi đến chốn", bà Quyết nhớ lại.

Hàng ngày bà Quyết chở con gái đến trường; tới nơi, Lý được các bạn dẫn vào lớp. Ngoài trở ngại về việc đi lại, Lý hầu như không gặp khó khăn gì trong việc học và tốt nghiệp đại học sớm năm 2013 với tấm bằng khá.

Nhưng khi đến phỏng vấn ứng tuyển ở một tập đoàn, dù được đánh giá tốt nhưng Lý không được nhận với lý do "cao chưa đến 1 m".

"Em buồn và tổn thương vì câu nói đó. Em muốn vươn lên nên đã nộp hồ sơ vào đây sau thời gian làm cho một công ty nhỏ", Lý chia sẻ.

Lý nói lần từ chối ấy đã giúp cô rẽ hướng khởi nghiệp để tự tạo công việc cho mình. Lý khởi nghiệp với một dự án trong lĩnh vực SEO online (tối ưu hóa tìm kiếm của người dùng) và làm tại nhà. Mỗi khi ra ngoài gặp khách hàng, cô được bố, mẹ hoặc người thân chở đi.

Thấy Lý bé nhỏ, nhiều người ngần ngại, không dám giao dự án. Sau khoảng một năm chịu khó thuyết phục và chứng minh khả năng, Lý bước đầu có một số đơn hàng.

Lý cho biết, nhờ công việc truyền thông, quảng cáo, marketing, cô có thu nhập tốt và tạo việc làm online cho 4-5 người khuyết tật khác. Lúc này, trong đầu Lý nảy ra kế hoạch mở rộng hoạt động, nhưng cô không có nhiều kiến thức về kinh doanh, vận hành doanh nghiệp. Cuối cùng, năm 2019, Lý quyết định gác lại công việc để đi học.

Biết đến học bổng chính phủ Australia khi chỉ còn chưa đầy một tháng là hết hạn, Lý gấp rút viết bài luận và hoàn thiện hồ sơ. Chọn lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh và sáng tạo, Lý kể lại câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, những khó khăn và thành quả đạt được. Vì tiếng Anh không quá tốt, Lý nhờ các anh chị cựu sinh từng giành học bổng này sửa giúp bài luận và lỗi ngữ pháp.

"Em bất ngờ khi giành được học bổng. Em đã chuẩn bị tinh thần không đỗ sẽ tiếp tục công việc và năm sau nộp lại", Lý chia sẻ.

Trước khi sang Australia theo chương trình học bổng, Lý được học tiếng Anh gần một năm tại một trường đại học quốc tế để đáp ứng điều kiện đầu vào về ngoại ngữ.

Thầy Đậu Ngọc Hà Dương, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM nói tự hào về cô sinh viên của mình. Trong thư giới thiệu, thầy Dương đã chia sẻ hành trình Lý đến với Quỹ học bổng cựu sinh viên, những trải nghiệm ở trường và cách Lý vượt qua khó khăn để luôn nằm trong top sinh viên nhận học bổng.

"Tôi ấn tượng với Lý ở ý chí. Trong những năm đi học, Lý luôn duy trì điểm số khá và giỏi trong cả môn lý thuyết và thực hành", giảng viên nói và cho biết sẽ kể câu chuyện truyền cảm hứng của Lý đến các lớp sinh viên sau này.

Lý và chị gái trong một chuyến tham quan cùng trường cách đây không lâu. Chị gái sang Australia hỗ trợ Lý đi học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

Lý và chị gái trong một chuyến tham quan cùng trường đại học cách đây không lâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau gần ba tháng đặt chân tới xứ sở chuột túi, Lý đang dần quen với thời tiết, ngôn ngữ và cách học. Phương tiện đi lại thuận lợi, cơ sở hạ tầng hỗ trợ người khuyết tật tại Australia tốt nên Lý có thể tự mình đến trường bằng xe lăn điện. Tuy nhiên, mỗi lần đến lớp, Lý thường đi với chị gái, người đồng hành, hỗ trợ Lý đi chợ, nấu ăn.

Lý học bốn môn mỗi kỳ, trong đó hai môn học trực tiếp ở trường và hai môn học trực tuyến. Trở lại với việc học sau thời gian dài đã đi làm, Lý cảm thấy khó tập trung với các môn tính toán. Cô cũng không nghe kịp bài giảng do giảng viên nói nhanh. Để khắc phục, Lý dành nhiều thời gian đọc tài liệu và tự học ở nhà.

"Em ghi âm bài giảng hoặc email hỏi các thầy cô. Khi tìm ra được cách học phù hợp, mọi thứ trở nên dễ thở hơn nhiều", Lý cho hay.

Tân sinh viên Đại học La Trobe khuyên những người cùng cảnh ngộ hãy có ước mơ, tự vạch ra chiến lược cho bản thân và tìm giải pháp khắc phục, thay vì bỏ cuộc.

Với bà Quyết, cô con út khiến bà lo lắng ngày nào giờ lại là người thành công nhất nhà.

"Tôi không tưởng tượng được Lý lại đạt được kết quả của ngày hôm nay. Tôi mãn nguyện và mừng cho con", bà Quyết nói.

(Theo VnExpress)

Cô gái cao chưa đầy 1 m giành học bổng chính phủ Australia 

Thursday, December 15, 2022

12 Bài Thơ Hay và Ý Nghĩa Tặng Con Yêu

 Trẻ sẽ học hỏi được nhiều qua những bài thơ hay và ý nghĩa. Cha mẹ hãy đọc những bài thơ sau và phân tích ý nghĩa cùng con nhé. Cha mẹ hãy hỏi con trước, để con nói ra suy nghĩ và cảm nhận của mình qua những bài thơ này nhé.

 












 

(Sưu tầm)

 12 Bài Thơ Hay và Ý Nghĩa Tặng Con Yêu

Blog Làm Bạn Với Con, Hạnh Phúc Mỗi Ngày

Wednesday, December 7, 2022

Từ nữ sinh trường làng thành thủ khoa Học viện Báo chí

 Sau cú sốc trượt lớp 10 trường chuyên, Khánh Linh giành giải nhì học sinh giỏi của Hà Nội rồi trở thành thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khóa 2018-2022.

Nguyễn Thị Khánh Linh (22 tuổi, Thường Tín, Hà Nội), tốt nghiệp lớp Quan hệ quốc tế và Truyền thông toàn cầu K38 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền với điểm GPA 3.81/4, được chọn phát biểu tại Lễ Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2022 hôm 18/11.

Nữ thủ khoa chia sẻ, động lực khiến em quyết tâm học tập là tình yêu, những hy sinh và vất vả mà bố mẹ em đã trải qua. "Bố mẹ em là lao động tay chân bình thường, nhưng trong việc học tập, bố mẹ chưa bao giờ tiết kiệm với em", Linh nói. Vì thế, mỗi khi gặp khó khăn, em đều tự giác vượt qua, không bao giờ phàn nàn.

Ngày học cấp 1, Linh học ở ngôi trường làng gần nhà - Tiểu học Văn Phú và đạt loại giỏi suốt 5 năm liền, tham gia nhiều kỳ thi chọn học sinh giỏi của trường, huyện. Khi lên cấp 2, bố mẹ gửi em ra học ở trường huyện - trường THCS Thường Tín, nay là trường THCS Nguyễn Trãi A.

Chuyển sang trường mới, Linh tự ti vì điểm số ban đầu thường chỉ đạt dưới trung bình. Nhưng cô học trò lớp 6 cũng nhanh chóng nhận thức rằng không nên đắm chìm trong cảm giác nghi ngờ năng lực bản thân lâu, mà phải vượt lên bằng cách tăng thời gian học tập. Linh nhớ hồi ấy đã ngồi hàng giờ để giải một bài toán khó và dành phần lớn thời gian trong ngày để làm bài tập, luyện đề, đến khi nào làm xong thì mới đứng dậy. Điểm số của em bắt đầu thay đổi sau một học kỳ. Từ năm lớp 7, điểm học tập của Linh đứng đầu lớp và giữ phong độ đến hết lớp 9.

Tuy nhiên, cú sốc đến với Khánh Linh vào năm 2015, khi nữ sinh không đủ điểm giành vé vào lớp 10 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.

"Có người an ủi em là 'học tài thi phận', nhưng em biết hôm đó em đã làm bài không tốt, tự đánh mất cơ hội chứ không có sự kém may mắn gì ở đây", Linh nhớ lại. Theo học trường THPT Thường Tín, nữ sinh xác định phải nỗ lực nhiều hơn. Ngoài việc học hành chăm chỉ trên lớp, em giữ thói quen tìm kiếm những đề thi của trường chuyên để ôn luyện.

Khánh Linh mặc áo áo dài trắng trong khuôn viên trường dịp lễ bế giảng Học viện Báo chí và Tuyên truyền hồi tháng 6/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khánh Linh trong ngày bế giảng Học viện Báo chí và Tuyên truyền hồi tháng 6/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm lớp 12, Linh tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn thành phố, tại điểm thi trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Với đề nghị luận văn học về tác phẩm "Chữ người tử tù", nữ sinh giành giải Nhì. Linh cho rằng, thành tích đó giống như một "thành công nảy mầm từ thất bại", giúp em thêm vững tin vào bản thân.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, với 25 điểm khối D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), Linh trúng tuyển vào ngành Quan hệ quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. "Nếu ngày thi vào lớp 10, em đỗ vào trường chuyên như mong muốn thì chưa chắc em đã có thể đột phá như vậy", Linh nói.

Trong học kỳ đầu tiên ở đại học, Linh đi xe bus 30 cây số mỗi ngày từ nhà đến trường. Linh nói khó khăn lớn nhất là cách học ở đại học khác so với môi trường cấp 3. Thầy cô truyền tải một khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi sinh viên phải có khả năng nắm bắt và ghi nhớ nhanh. Ngoài ra, khả năng tiếng Anh của Linh chưa tốt. Vì thế, ngoài chăm chỉ học chuyên môn, Linh dành nhiều thời gian để luyện các kỹ năng tiếng Anh.

Từ học kỳ hai, Linh xin vào ở ký túc xá để vừa đi học, vừa đi làm. Nữ sinh nhận việc ở mảng truyền thông sáng tạo nội dung cho một doanh nghiệp du lịch để tăng va chạm xã hội và tích luỹ kinh nghiệm. Thường xuyên bận rộn, đi sớm về muộn, ăn uống không đầy đủ, Linh sụt 8 kg sau một năm.

Nhờ nỗ lực, Linh đạt danh hiệu sinh viên giỏi trong hai năm đầu, rồi trở thành sinh viên xuất sắc kể từ năm thứ ba, giành học bổng ở tất cả các kỳ học.

Linh đạt điểm 9,5/10 cho khoá luận tốt nghiệp "Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức trên lĩnh vực kinh tế từ năm 2011 đến nay" và đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc toàn khóa, thủ khoa đầu ra Học viện Báo chí và Tuyên truyền khóa 38. Em cũng được kết nạp Đảng hôm 21/6.

"Chỉ cần mình có năng lực và cố gắng thì sớm hay muộn cũng sẽ gặt hái được quả ngọt", Linh nói. Linh luôn đặt mục tiêu cụ thể về thành tích, điểm số và những kiến thức, kỹ năng đạt được qua mỗi môn học, kỳ học. Linh có thói quen lập thời gian biểu mỗi ngày, mỗi tuần, giúp cân bằng học tập, giải trí cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa. Từ khi học tiểu học đến đại học, nữ sinh luôn hoàn thành bài vở trước 22h để nghỉ ngơi sớm, đảm bảo sức khỏe.

Với lợi thế của "dân văn", em ghi chép nhanh, ngay trên giảng đường, Linh đã nắm bắt được kiến thức, đến cuối kỳ, em chỉ hệ thống lại trước một ngày trước khi thi.

Khánh Linh cầm cúp được vinh danh tại Lễ Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thủ đô Hà Nội năm 2022 hôm 18/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khánh Linh tại Lễ Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2022 hôm 18/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ sinh cho biết cũng đôi lúc gặp những môn học ít hứng thú, thậm chí là sợ, như môn Luật pháp quốc tế học bằng tiếng Anh. Em phải cố gắng tìm ra điểm thú vị của từng môn học để có động lực học tập.

Linh chủ động đề xuất các chủ đề thảo luận với giáo viên và các bạn, để tiết học sôi động hơn. Là lớp phó học tập, em cũng sát sao với tiến độ học tập của cả lớp, giải đáp những thắc mắc của bạn bè. Linh tâm sự "tính em cẩn thận, khắt khe và cầu toàn khiến không ít bạn trong lớp cảm thấy khá áp lực khi làm việc nhóm". Tuy nhiên, sau khi đã quen, mọi người không còn phàn nàn mà hăng hái cùng nhau hoàn thành bài vở. Theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế, nữ sinh nói nhận thức được việc rèn luyện tư duy phản biện, đa chiều trước mỗi vấn đề.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, chủ nhiệm lớp của Linh, đánh giá em là một sinh viên năng động, cầu thị, ham học hỏi và luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực. Linh còn có "tinh thần khiêm tốn, chan hòa với tập thể và khả năng dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm".

Linh cho biết đã tìm được việc làm với thu nhập khá, tích lũy thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho những kế hoạch trong tương lai. "Em mong truyền cảm hứng cho hai em, và rất nhiều bạn nhỏ ở làng xã nơi em đang sinh sống, rằng dù xuất phát điểm ở đâu, nếu có ý chí và nghị lực, mọi người có thể tạo nên những thành tích ấn tượng", Linh nói.

Saturday, December 3, 2022

Tác Hại Của Việc Xem Điện Thoại Quá Nhiều

 Xem thiết bị điện tử trong thời gian dài sẽ khiến mắt mệt mỏi, khô mắt, giảm thị lực, suy yếu mắt và bị các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, nhược thị hoặc thậm chí bị hỏng mắt, mù lòa. Mời các bạn xem các clip chia sẻ chi tiết ảnh hưởng của việc xem điện thoại và các thiết bị điện tử nhiều đối với mắt nhé. 

 1. 7 TÁC HẠI CỦA TRẺ EM XEM ĐIỆN THOẠI QUÁ NHIỀU

  

2. Trẻ mắc bệnh vì nghiện điện thoại, ti vi | VTC14

  

 3. 9 Tác Hại Khi Sử Dụng Điện Thoại Quá Nhiều  

 4. Tác hại của màn hình điện tử đối với trẻ nhỏ | VTV24

  

 5. Dùng điện thoại ban đêm - Sai lầm cực kì nguy hiểm

  

6. Tác hại của thiết bị điện tử đối với con người  

 7. 4 tác hại không ngờ cho sức khỏe của việc đem điện thoại vào dùng trong lúc đi vệ sinh  

8. Nếu Đang Sử Dụng Điện Thoại Hoặc Wifi Bạn Nhất Định Phải Biết Điều Này  

 9. Báo động nghiện điện thoại có thể gây rối loạn tâm thần

  

 10. Trẻ "nghiện" điện thoại: Coi chừng bệnh tật ập đến | VTC16  

11. Tác hại của thức khuya đối với con người  

12. Nghiện game và những hậu quả tới sức khỏe tâm thần | VTC14 =========== 

 Để tránh sử dụng điện thoại hay chơi game như một thói quen, chúng ta cần Thực hành các thói quen tốt mới để cải thiện tình hình.

 19 Thói Quen Buổi Sáng Giúp Bạn Có Một Ngày Hiệu Quả  

5 THÓI QUEN SIÊU TỐT NGƯỜI TRẺ NÊN CỐ GẮNG THỰC HIỆN MỖI NGÀY | DANG HNN

 

15 Thói Quen Nhỏ của Người Giàu!  

 Blog Làm Bạn Với Con - Tác Hại Của Việc Xem Điện Thoại Quá Nhiều

Friday, December 2, 2022

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA GIÁO DỤC PHƯƠNG TÂY VÀ GIÁO DỤC PHƯƠNG TA.

 Cha mẹ hãy tham khảo sự khác biệt này để tìm ra phương pháp phù hợp cho các con của mình nhé. Học hỏi điều hay để giúp con phát triển được hạnh phúc nha các cha mẹ.
 

Thứ nhất, giáo dục Phương Tây tôn trọng cá tính và sự khác biệt giữa các trẻ, còn chúng ta coi tất cả là giống nhau, nên dùng phương pháp giáo dục giống nhau cho các trẻ khác nhau. 
“ Gom chung vào một giỏ”.
 
Thứ hai, giáo dục Phương Tây chú trọng đến yêu tố hoạt động trải nghiệm và rèn luyện kĩ năng, còn chúng ta hiện nay chủ yếu là lý thuyết và học qua kênh nghe và nhìn là chính, thiếu rất nhiều các hoạt động trải nghiệm. Mà chính từ các hoạt động trải nghiệm này trẻ mới rút ra những bài học.
 
Thứ ba, giáo dục Phương Tây quan niệm rằng, mỗi đứa trẻ là những tài năng tiềm ẩn cần khai phá, và giáo dục là để khai phóng những tài năng đó. Còn chúng ta quan niệm rằng “trẻ em chẳng biết gì” nên cần phải học thật nhiều bằng việc nhồi nhét kiến thức thật nhiều vào đầu như nhồi thức ăn cho vịt.
 
Thứ tư, giáo dục Phương Tây coi trọng sự tự do và phát triển tự do của mỗi cá nhân, còn chúng ta giáo dục theo kiểu áp đặt “ Cá không ăn mắm cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư” và nhồi sọ, áp đặt kiến thức, áp đặt và phân biệt, đối xử về nghề nghiệp.
 
Thứ năm, giáo dục Phương Tây tôn trọng thiên tính, còn chúng ta đục đẽo, mài rũa thiên tính theo ý chí và nhận thức chủ quan của người lớn.
 
Thứ sáu, giáo dục Phương Tây thiên về khích lệ, cổ vũ, động viên. Còn chúng ta thiên về soi mói, phê bình, và trừng phạt.
 
Thứ bẩy, giáo dục Phương Tây chú trọng phát triển cân bằng 2 bán cầu, còn chúng ta đang hướng trẻ phát triển thiên về não trái, thông qua việc học quá nhiều các môn về số học, ngôn ngữ là những môn học phát triển não trái. Mà coi nhẹ các môn khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật là những môn phát triển não phải, phát triển khả năng lãnh đạo và sáng tạo.
 
Thứ tám, giáo dục Phương Tây thiên về hỗ trợ học sinh tự học, tự tìm tòi nghiên cứu. Còn chúng ta giáo dục theo kiểu đọc - chép, coi giáo viên là người duy nhất nắm giữ kho tàng tri thức.
 
Thứ chín, giáo dục Phương Tây thiên về phát triển WHY, còn chúng ta chủ yếu dạy về WHAT.
 
Thứ mười, giáo dục Phương Tây thiên về phát triển khả năng độc lập cho trẻ, còn chúng ta giáo dục theo kiểu bao bọc, che chở.
 
Thứ mười một, giáo dục Phương Tây thiên về tối ưu hóa sự phát triển tài năng của cá nhân, còn chúng ta cào bằng, bắt học sinh học giỏi tất cả các môn và cuối cùng chẳng giỏi môn nào, môn nào cũng nhàng nhàng như nhau.
 
Thứ mười hai, giáo dục Phương Tây coi việc học là việc rất tự nhiên của con người, còn chúng ta coi việc học sinh học giỏi là niềm tự hào của cả gia đình, của cả dòng họ, của cả xóm làng, của cả nhà trường… Từ đó dẫn đến căn bệnh thành tích ngày càng trầm trọng.
 
(Sưu tầm)
 
Blog Làm Bạn Với Con - SỰ KHÁC BIỆT GIỮA GIÁO DỤC PHƯƠNG TÂY VÀ GIÁO DỤC PHƯƠNG TA. 

20 PHÉP LỊCH SỰ TRONG GIAO TIẾP CHA MẸ NHẤT ĐỊNH PHẢI DẠY CON TỪ SỚM

Phép lịch sự trong giao tiếp là điều rất cần thiết phải dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ, bởi nó rất quan trọng cho việc phát triển tính cách của trẻ sau này.
 

Phép lịch sự là cách ứng xử của con người với những hiểu biết về nguyên tắc, phong tục, tục lệ của đời sống xã hội. Một người lịch sự luôn nhận được cái nhìn thiện cảm, sự trân trọng của mọi người. Vì vậy, trẻ em cần được giáo dục về phép lịch sự và những hành vi đẹp khi giao tiếp với người khác.
 
Worldkids cho biết, ý nghĩa thực sự của phép lịch sự là bày tỏ sự tôn trọng với người xung quanh. Dù chúng ta làm bất cứ điều gì cũng phải có thái độ hài hòa, nhã nhặn, ăn nói có đầu có cuối, không dùng thái độ hằn học, khó chịu khi giao tiếp. Cách thể hiện lịch sự của mỗi người khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau nhưng nguyên tắc chung nhất là phải tôn trọng người khác.
 
 
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những đứa trẻ có thói quen tốt sẽ có nhân cách tốt và trí tuệ phát triển hơn hẳn. Trẻ biết phép tắc sẽ tự tin, chủ động giao tiếp và không ngừng muốn khám phá thế giới.
 
1. Luôn luôn nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” mỗi ngày
 
Bạn đừng cho rằng vì chúng ta quá thân thiết nên không cần rườm rà câu chữ hay khách sáo. Tuy nhiên, gia đình chính là nơi bắt đầu cho mọi thói quen tốt của trẻ. Nếu cha mẹ chủ động nói những lời này với con, bé sẽ học theo, tương lai trở thành một người lịch sự. Vậy nên, hãy thực hành điều này ngay trong gia đình nhỏ của mình nhé!
 
 
2. Yêu cầu bé mời người lớn trong bữa ăn
 
 Cha mẹ hãy chủ động mời ông bà, các bác các cô, mời cả bé ăn cơm. Việc mời mọi người ăn cơm cần tạo thành một nền nếp trong gia đình. Cha mẹ đừng làm đại khái kiểu quên thì thôi hoặc nhà có khách mới làm mà cần làm bằng thái độ nghiêm túc để trẻ học theo.
 
3. Trong bữa ăn, cần dạy bé tuân thủ một số nguyên tắc
 
Không phát ra tiếng động lớn, không dùng tay áo lau miệng, không lau tay bẩn vào khăn bàn hoặc quần áo, không phát tiếng động khi nhai, gắp thức ăn vào bát trước rồi đưa lên miệng, không làm văng vãi thức ăn ra bàn,… Nghe thì có vẻ có quá nhiều nguyên tắc nhưng sẽ đơn giản hơn khi cha mẹ kiên trì thực hiện cùng con.
 
 
4. Trong cư xử, sẽ có một số lưu ý: như che miệng khi ho hoặc hắt xì, không dùng tay chỉ vào người khác, đứng dậy khi người lớn đến, mời nước khi khách đến nhà, dùng hai tay nhận đồ, vứt rác đúng nơi quy định…
 
5. Dạy trẻ những bài học về sự quan tâm. 
 
Ví dụ, cha mẹ luôn dành những đồ ăn ngon nhất cho con, vậy hãy chia sẻ với con rằng vì cha mẹ yêu thương con nên làm điều đó. Bé có thể nhường đồ ăn ngon cho em, mời ông bà ăn trước… Khi bé đi sinh nhật bạn về hãy nhớ mang về cho anh/chị/em mình một vài chiếc kẹo để thể hiện sự quan tâm. Dần dần bé sẽ học được cách quan tâm, chăm sóc người khác.
 
6. Không ngắt lời người lớn khi đang nói chuyện 
 
Nếu bé vi phạm nguyên tắc này, hãy có một hình phạt dành cho bé. Bạn cũng không nên ngắt lời khi bé đang nói. Hãy cố gắng lắng nghe con mình, sau đó giải thích từ tốn cho bé hiểu. Hãy yêu cầu bé nói chậm rãi, đủ nghe, không nên nói quá lớn hoặc quá nhanh.
 
 
7. Hãy dạy trẻ gõ cửa trước khi vào phòng của người khác, xin phép trước khi động vào đồ dùng của người khác, không tự ý lấy đồ của người khác mang về nhà mình…
 
8. Dạy bé làm thế nào đưa ra một lời khen với người khác hoặc mời người khác tham gia hoạt động của mình. Đặc biệt, hãy nhắc trẻ không bao giờ được bình luận về ngoại hình của người khác với ý không tốt.
 
9. Dạy bé viết một bức thư cảm ơn. Nếu ông bà ở xa, hãy khuyến khích bé viết thư để cảm ơn ông bà về món quà sinh nhật, quà noel…
 
10. Dạy bé trả lời điện thoại lịch sự.
 
11. Đối xử tôn trọng với những người phục vụ. Không thể vì mình trả tiền, họ phục vụ mình mà quên đi cách lịch sự.
 
12. Trước khi bước vào bất cứ một căn phòng nào, dù cửa đóng hay mở, hãy gõ cửa và chờ phản ứng từ những người bên trong. Không nên tự ý xông vào phòng vì đó là việc bất lịch sự.
 
13. Không nói tục hoặc dùng những từ ngữ ám chỉ sự tục tĩu.
 
14. Không gọi người lớn trống không.
 
15. Cúi đầu chào khi gặp người lớn (ông bà, cha mẹ, thầy cô…)
 
 
16. Không đem người khác ra làm trò cười vì bất kỳ lý do gì. Trêu chọc những bạn yếu đuối hoặc nhỏ tuổi hơn bị coi là tàn nhẫn.
 
17. Dạy trẻ biết giúp đỡ mọi người xunh quanh: Nếu thấy cha mẹ, anh chị, bạn bè, thầy cô đang làm công việc gì đó mà cần sự giúp đỡ, trẻ nên ngỏ lời giúp đỡ. Nếu nhận được sự đồng ý, trẻ có thể học được nhiều điều mới mẻ hơn.
 
18. Khi đến nhà ai đó chơi, đừng tự tiện ăn uống hoặc nghịch ngợm thứ gì nếu chưa được sự đồng ý của chủ nhà.
 
19.Trẻ nên sử dụng đồ đạc đúng cách. Nếu không biết dùng, trẻ nên hỏi cha mẹ cách dùng chứ không nên sử dụng bừa bãi.
 
20. Khi được nhận một món quà, dù có thích hay không, trẻ cũng nên nói lời “Cảm ơn” và thể hiện thái độ tích cực.
 
(Theo Best Skills Academy)
 
Blog Làm Bạn Với Con - 20 PHÉP LỊCH SỰ TRONG GIAO TIẾP CHA MẸ NHẤT ĐỊNH PHẢI DẠY CON TỪ SỚM 

25 PHÉP LỊCH SỰ TỐI THIỂU CHA MẸ PHẢI DẠY CON NGAY KHI CÒN NHỎ

 Cha mẹ hãy tham khảo những lời khuyên sau để cùng con rèn luyện sự tử tế, lịch sự nhé.

1. Đừng bao giờ nhại lại giọng địa phương của người khác vì điều đó không có gì hay ho đâu con ạ!
2. Khi người khác đang nghỉ ngơi, con hãy giữ yên lặng. Nếu con có chuyện muốn nói thì con hãy nhẹ nhàng đi ra ngoài.
3. Khi ai đó hỏi con cái gì, nếu con không biết thì hãy trả lời lịch sự rằng "Mình không biết hoặc mình không hiểu lắm". Con đừng nói trống không "Sao mà biết được".
4. Khi con nói xin lỗi thì con đừng thêm từ "được chưa".
5. Nếu con mượn đồ của người khác thì con hãy nhớ trả lại.
6. Khi con mượn đồ đắt tiền của ai đó, con hãy nhớ giữ gìn cẩn thận.
7. Khi con ăn, con hãy ăn xong rồi nói chuyện.
8. Người văn minh hãy biết cách học lấy những điều thông minh.
9. Nếu có cuộc gọi nhỡ, con hãy lịch sự nhắn tin khi chưa thể gọi lại.
10. Con đừng xem trộm tin nhắn hay nhật ký của người khác.
11. Khi người khác đang nói, con nên để họ nói xong rồi nói.
12. Nếu con nói "tôi mời" thì con phải là người thanh toán. Còn nói "chúng ta đi ăn đi" thì ai trả phần người đấy con nhé!
13. Nếu ai đó xúc phạm con, con không nên đáp trả hoặc to tiếng với họ mà hãy mỉm cười.
14. Nếu đi cùng ai đó, người ấy chào một người bạn không biết thì con cũng nên chào họ.
15. Đeo tai nghe khi xem video, nghe nhạc ở nơi công cộng để không làm phiền tới người khác.
16. Tránh cười, nói chuyện quá to khi nhìn chằm chằm vào người khác.
17. Con không nên phóng xe nhanh qua vũng nước.
18. Một người đàn ông có giáo dục sẽ luôn thể hiện sự tôn trọng đúng mực với phụ nữ con nhé!
19. Con hãy trả lại số tiền đã vay càng sớm càng tốt.
20. Nếu ngủ ở nhà người khác, con hãy nhớ gấp chăn gối cho gọn gàng trước khi đi.
21. Hãy nhìn vào người đối diện khi con nói chuyện với ai đó.
22. Đừng cãi nhau ở chốn công cộng.
23. Đôi giày của con lúc nào cũng nên sạch sẽ.
24. Nguyên tắc vàng khi dùng nước hoa là dùng vừa phải. Nếu con vẫn có thể ngửi thấy mùi nước hoa của mình vào buổi tối thì có nghĩa là mọi người đã quá mệt với nó rồi.
25. Nếu ai đó giúp đỡ con dù chuyện nhỏ nhất cũng nên nói lời "cảm ơn".
Nguồn: ST

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân
Rèn Luyện Đạo Đức, Trí Tuệ và Nghị Lực Cùng Con

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân
Số Học Ứng Dụng - Công cụ giúp cha mẹ Nuôi dạy con Trưởng thành trong Hạnh phúc