Thursday, December 1, 2022

Gia Đình Có 6 Chị Em Gái, Trong Đó Có 4 Người Học Đại Học Harvard, 1 Người là Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải

 Ông Triệu Tích Thành và vợ - bà Chu Mộc Lan có tổng cộng 6 cô con gái, bao gồm: Triệu Tiểu Lan, Triệu Tiểu Cầm, Triệu Tiểu Mỹ, Triệu Tiểu Phủ, Triệu Tiểu Đình và Triệu An Cát. Vì sinh toàn con gái nên người đàn ông doanh nhân này từng bị một số kẻ chê cười, xì xào.

Tuy nhiên sau 30 năm, tất cả những kẻ xấu tính xưa kia đều phải muối mặt và thầm ghen tị với ông. Đó là bởi cả 6 cô con gái của ông Triệu Tích Thành lớn lên đều trở thành những nhân tài kiệt xuất trong các lĩnh vực chính trị, học thuật và kinh doanh.

Ông Triệu chụp ảnh cùng con gái, con rể và các cháu.

Triệu Tích Thành (Zhao Xicheng) sinh ra ở Thượng Hải, cha ông là hiệu trưởng một trường tiểu học. Năm 1946, ông thi đỗ vào khoa Hàng hải Đại học Giao thông Quốc gia Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1949, ông thực tập trên tàu viễn dương và trở thành thuyền một trong những thuyền trưởng viễn dương trẻ nhất thời bấy giờ. Nhìn xa trông rộng, ông một mình tới Mỹ lập nghiệp vào năm 1958. Chỉ sau sáu năm, ông không chỉ lấy bằng thạc sĩ quản lý tại Đại học St.John's mà còn xây dựng Tập đoàn Foremost từ con số không. Đến những năm 1990, Foremost là một trong những công ty lớn nhất trong ngành vận tải biển của Mỹ.

Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã trải qua những thăng trầm và viết nên huyền thoại cuộc đời của "Vua tàu biển người Hoa" và "Người khổng lồ vận tải đường thủy". Ông bắt đầu dựng nghiệp bằng hai bàn tay trắng, sau 20 năm đã viết lên một trang mới trên đất Mỹ. Gia đình ông được gọi là "gia đình người Hoa đầu tiên ở Hoa Kỳ" được hai tổng thống Mỹ ca ngợi. 

Ông có 6 người con gái, trong đó có 4 người tốt nghiệp Harvard. Tại Hoa Kỳ, sáu cô con gái của ông được gọi là "Triệu thị lục kim hoa" (Sáu bông hoa vàng nhà họ Triệu).

 Cách dạy 6 người con gái trở nên xuất chúng của Vua tàu biển người Hoa: Độc lập, tự kỷ luật, yêu nhưng không chiều, nghiêm khắc nhưng không hà khắc... 

 Vì vậy mới nói rằng, nghiêm khắc mà không khắt khe, thương yêu mà không nuông chiều, chính là gia phong tốt nhất dành cho con gái. 

Cô con gái lớn Triệu Tiểu Lan (Zhao Xiaolan): Tốt nghiệp Đại học Harvard, cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ, hiện là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, là người phụ nữ gốc Hoa đầu tiên trong lịch sử bước vào nội các Hoa Kỳ.

Cô con gái thứ hai, Triệu Tiểu Cầm (Zhao Xiaoqin): Tốt nghiệp Đại học William & Mary (đại học lâu đời thứ hai ở Hoa Kỳ, sau Đại học Harvard),  là giám đốc công ty.

Cô con gái thứ ba, Triệu Tiểu Mĩ (Zhao Xiaomei): Tốt nghiệp Đại học Harvard, cựu Giám đốc Cục Bảo vệ người tiêu dùng bang New York.

Con gái thứ tư, Triệu Tiểu Phủ (Zhao Xiaofu): Tốt nghiệp Đại học Columbia, cựu phó chủ tịch Công ty tập đoàn quốc gia Mỹ General Electric, hiện là luật sư.

Con gái thứ năm, Triệu Tiểu Đình (Zhao Xiaoting): Giáo sư tại Đại học Harvard và Đại học Columbia.

Cô con gái út, Triệu An Cát (Zhao Anji): Tốt nghiệp Đại học Harvard, Phó chủ tịch tập đoàn Foremost, là người kế nhiệm của cha mình - Triệu Tích Thành.

Các con rể của "vua tàu biển gốc Hoa" có người làm trong Thượng viện Mỹ, cổ đông lớn của Facebook và giám đốc của các tập đoàn lớn như Wal-Mart và Dell... Gia đình Triệu Tích Thành được hai đời tổng thống Mỹ ca ngợi. Trong đó, tổng thống George Bush từng nói với vợ mình, bà Barbara rằng: "Về giáo dục con cái, chúng ta cần phải học hỏi gia đình họ Triệu".

Triết lý giáo dục của Triệu Tích Thành và vợ là nền tảng tạo nên 6 cô con gái xuất sắc trong sự nghiệp và có hôn nhân hạnh phúc. Bí quyết nuôi dạy con của họ đúc kết trong 4 điểm. 

 1. Phu thê tình thâm gắn bó cả cuộc đời

Năm 1946, Triệu Tích Thành 18 tuổi. Vào thời điểm đó, ông hướng tới biển rộng mênh mông, quyết tâm thi đỗ vào khoa Hàng hải Đại học Giao thông Quốc gia với kết quả xuất sắc (nay là Khoa Hàng hải và Kiến trúc công trình Đại học giao thông Thượng Hải).

Triệu Tích Thành có tướng mạo khôi ngô, phong nhã hào hoa, nên được rất nhiều nữ sinh yêu mến, nhưng ông vẫn chẳng động lòng.

Đến mùa đông năm 1948, ông tình cờ gặp một nữ sinh thanh tú đoan trang, nhã nhặn trầm tĩnh… Trong mắt Triệu Tích Thành, tất cả những câu từ mĩ lệ cũng đều không thể mô tả được dung mạo của nàng. Nàng ấy chính là Chu Mộc Lan. Và họ đã yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên ấy.

Nhưng không ngờ rằng chiến hỏa phân tranh, thời cuộc biến đổi, Triệu Tích Thành phải lưu lại ở Đài Loan, hai người mất liên lạc từ khi ấy, đôi tình nhân ‘chàng ở trời nam, nàng nơi đất bắc’.

Những tháng ngày ở Đài Loan, Triệu Tích Thành đều nhờ người hỏi thăm tin tức của Chu Mộc Lan, kiên trì bền bỉ không ngừng. Một năm sau, Triệu Tích Thành phát hiện thấy trên danh sách đỗ kỳ thi tốt nghiệp có tên nàng. Thì ra nàng cũng đã cùng gia đình sang tới Đài Loan rồi!

Những mong nhớ, kiếm tìm nay cuối cùng cũng có kết quả, hai người hội ngộ vui mừng hạnh phúc, tựa như kiếp sau gặp lại nhau vậy.

Năm 1951, hai người họ kết hôn.

Triệu Tích Thành nói với Chu Mộc Lan: "Tôi đối với em chưa từng thay lòng đổi dạ, chỉ có một trái tim này, yêu em mãi mãi". Và ông đã dùng cả một đời để chứng minh cho câu nói ấy.

Vợ chồng ông Triệu Tích Thành bên 6 đoá hoa rực rỡ của mình

Triệu Tích Thành và Chu Mộc Lan tôn trọng lẫn nhau, đồng cam cộng khổ. Một người chủ ngoại, xây dựng cơ nghiệp, một người chủ nội, chăm sóc gia đình.

Trong tự truyện của mình, Triệu Tích Thành đã viết: "Mộc Lan vì tôi mà đã hy sinh quá nhiều, tôi đối với em cũng yêu thương chu đáo. Chỉ cần em vui vẻ, chỉ cần em hạnh phúc, tôi sẽ làm theo ý em".

Những người con gái của vợ chồng Triệu Tích Thành, chứng kiến cha đối với mẹ bằng sự tôn trọng, yêu thương, họ cũng thấy được giá trị của bản thân mình khi là phụ nữ. Chứng kiến cha mẹ yêu thương nhau như thế, họ cũng tin vào tình yêu, tin tưởng rằng thế giới này luôn có tình yêu.

Khi Triệu Tích Thành được hỏi: "Ngài làm thế nào mà có thể nuôi dưỡng sáu cô con gái xuất sắc như thế?", ông thân tình nói: "Điều này là minh chứng cho tình yêu mà tôi trọn đời dành cho vợ, thực sự là rất yêu thương".

2. Nghiêm khắc mà không hà khắc, yêu nhưng không chiều

Triệu Tích Thành chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, gia đình họ có rất nhiều quy tắc. Ví dụ như: Cha mẹ chưa động đũa thì con cái chưa được phép ăn cơm, phải về nhà trước 23h, cha mẹ đang nói phải im lặng nghe, tự mình làm việc nhà, khách đến chơi thì các con không được ngồi bàn ăn mà phải đứng phục vụ...

Mộc Lan dạy các con: "Từ đạm bạc thành xa xỉ thì dễ, chuyển từ xa hoa sang tiết kiệm mới khó. Các quản gia được mời đến để giúp đỡ cha mẹ chứ không phải các con. Người trẻ tuổi phải tự lo cho mình để học cách tự lập".

Những quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt. Các con gái lớn lên đều đạt thành tích xuất sắc, độc lập và tự kỷ luật.

Có câu chuyện: Lúc Triệu Tiểu Lan học tiểu học, có hôm cả khu nhà bị cúp điện, mẹ cô vẫn thắp nến để cô học bài như thường lệ, hoàn thành bài tập về nhà của hôm ấy. Ngày hôm sau, cả lớp chỉ có mỗi mình Tiểu Lan hoàn thành bài tập.

Trước nhà họ có một đoạn đường đi bộ khá dài, đây chính là đoạn đường do Triệu Tiểu Lan cùng các em gái đã tự mình rải đá lót đường dưới sự chỉ dẫn của cha.

Con gái của Triệu Tích Thành ngày vừa đến Mỹ, một câu tiếng Anh cũng không thể nói. Cô bé ngồi trong phòng học lạ lẫm, nghe không hiểu thầy giáo đang giảng những gì. Không chịu bỏ cuộc, cô lấy sổ tay cẩn thận chép lại tất cả những gì thầy viết trên bảng.

Vào thời điểm đó, Triệu Tích Thành một ngày phải làm đến ba công việc, giống như ông đã từng nói: "Khi đó chỉ có xe kéo là chưa từng kéo qua, bởi vì Mỹ không có xe kéo. Còn những việc khác đều đã làm qua rồi". Tuy vậy, sau một ngày làm việc mệt mỏi về đến nhà, ông vẫn kiên trì giảng bài cho con, giúp con gái hăng hái hơn mỗi ngày.

Lúc bé, Triệu Tiểu Lan ước ao có một con búp bê Barbie, nhưng thời đó trong nhà chẳng có bao nhiêu tiền, không thể mua. Một thời gian sau, cô nhận được món quà, là một con búp bê Barbie xinh xắn. Đó là món quà mà  Triệu Tích Thành đã tích góp tiền để mua cho con gái. Chu Mộc Lan còn tự mình may quần áo cho búp bê, cùng con gái dựng nhà cho búp bê.

Từ những chi tiết nhỏ này có thể nhìn thấy tình yêu của vợ chồng họ Triệu đối với các cô công chúa của mình. Thế nhưng, trong tình yêu ấy không thể thiếu sự nghiêm khắc, và trong nghiêm khắc nhìn thấy sự chân thành.

Vì vậy mới nói rằng, nghiêm khắc mà không khắt khe, thương yêu mà không nuông chiều, chính là gia phong tốt nhất dành cho con gái.

 

Triệu Tiểu Lan - con gái cả của vua tàu biển và cũng là bộ trưởng thứ 18 của Bộ Giao thông Hoa Kỳ


3. Con gái có thể làm bất cứ điều gì


Không nhiều gia đình có 6 con gái, nhiều người hay nói: "Hồi môn tốn không ít tiền đâu đấy". Nhưng vợ chồng ông cũng chẳng hề để tâm.

Con gái đầu được vợ chồng họ đặt là Triệu Tiểu Lan, với hy vọng sau này con lớn lên sẽ như Hoa Mộc Lan, anh dũng, tòng quân thay cha và giống như mẹ hiền thục, bao dung.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tiểu Lan nói: "Thế giới này về cơ bản là công bằng. Thành tích của chúng tôi hoàn toàn nằm ở chính chúng tôi, và chỉ chúng tôi mới có thể đánh bại chính mình".

Triệu Tích Thành luôn khuyến khích các con dám ước mơ, dám vỗ cánh bay cao, và thực hiện mơ ước hoài bão của mình.

Khi con gái Triệu Tiểu Lan còn bé, ông nói với con: "Con không thể làm tổng thống, bởi vì con không sinh ra tại Mỹ, nhưng con có thể làm bộ trưởng. Mỗi người đều có thể làm tốt, từng bước từng bước một, sẽ có thể lên đến tầng cao nhất".

Vừa dứt lời, mọi người xung quanh đều cười lớn không dứt, cứ nghĩ ông nói đùa. Nhưng Triệu Tích Thành đã rất nghiêm túc, cũng thật rõ ràng, và Triệu Tiểu Lan cũng nhận thức điều này rất nghiêm túc.

Năm 1977, Triệu Tiểu Lan trải qua rất nhiều kỳ thi, cuối cùng trúng tuyển vào Đại học Harvard, hai năm sau cô giành được bằng thạc sĩ. Sau đó cô tiến vào Ngân hàng Hoa Kỳ, đảm nhận vị trí kế toán viên cao cấp.

Năm 1983, cô lấy can đảm tham gia cuộc xét tuyển "Viên chức Nhà Trắng". Cuối cùng, cô đã vượt qua 55.000 ứng cử viên tài năng, trở thành "Viên chức Nhà Trắng" đầu tiên người châu Á, con đường theo đuổi chính trị cũng bắt đầu từ đây.

Ngày 29/1/2017, Triệu Tiểu Lan gọi điện cho cha, nói: "Bố ơi, cảm ơn bố, con đã làm được rồi".

Triệu Tích Thành nói với con: "Không phải con làm được, mà là con có được!"

Vào ngày này, Triệu Tiểu Lan đã trở thành Bộ trưởng thứ 18 của Bộ Giao thông Hoa Kỳ.



Triệu Tích Thành nói: "Đừng đặt giới hạn cho con gái, con gái có thể làm được tốt hơn nữa, thông qua giáo dục, con gái có thể thực hiện bất cứ điều gì".

Viện Bảo tàng người Hoa ở Hoa Kỳ đã trao tặng nhà họ Triệu "Khen thưởng gia đình truyền thống kiệt xuất". Sau 30 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên viện bảo tàng đem vinh dự này trao cho cả một gia tộc. 


4. Gia đình nề nếp là hồi môn tốt nhất cho con gái

Khi 6 con gái trưởng thành, vợ chồng nhà họ Triệu phải đối diện với vấn đề hôn nhân của các cô con gái. Tuy nhiên, họ cũng không có quá lo lắng vì các con giỏi thì chàng rể cũng chẳng tồi.

Cụ thể khi Tiểu Lan và Mitch McConnell, thượng nghị sĩ Mỹ chuẩn bị đính hôn thì Tiểu Lan nói với bạn trai phải đến trước mặt cha mẹ mình cầu hôn như phong tục truyền thống Trung Quốc.

Khi McConnell đến ra mắt, ông Triệu Tích Thành đã yêu cầu con rể tương lai đưa ra ba lý do cầu hôn con gái mình. McConnell nói: "Đầu tiên, con tin rằng mắt nhìn người của Tổng thống rất sắc bén. Ông ấy nói rằng Tiểu Lan là cô gái Đông phương xuất sắc nhất. Con cũng tin chắc như vậy.

Thứ hai, cha của Tiểu Lan đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp vận tải biển thế giới, được người người kính trọng. Trung Quốc có câu 'hổ phụ sinh hổ tử'. Người cha tài giỏi, con gái đương nhiên cũng không kém cỏi.

Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, Tiểu Lan là người phụ nữ bận rộn nhất mà con từng gặp, con đã chuẩn bị tinh thần chăm sóc và yêu cô ấy thật tốt".

Nhà văn Ma Boyong nói: "Truyền thống của một gia tộc cũng giống như một món đồ cổ tốt". Nó được tích tụ theo thời gian. Đồ cổ có hình dạng, truyền thống không sờ nắm được nhưng lại thẩm thấu trong gia tộc, trở thành mối ràng buộc về tinh thần, thậm chí trở thành một phần trong vận mệnh của họ. Truyền thống gia đình là của hồi môn tốt nhất cho con gái. 

(Theo CafeF)

Ông Triệu Tích Thành (SN 1927) là một doanh nhân và nhà từ thiện người Mỹ gốc Hoa. Ông là người sáng lập Tập đoàn Foremost, một doanh nghiệp vận chuyển, thương mại và tài chính có trụ sở tại New York. Ông Triệu cũng thành lập một quỹ học bổng để giúp đỡ sinh viên Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp cận giáo dục đại học.

 Theo đó, cô cả Triệu Tiểu Lan (SN 1953) chính là người nổi tiếng nhất. Bà Triệu Tiểu Lan, hay còn được biết đến với tên tiếng Anh Elaine Chao hiện đang đảm nhiệm chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hoa Kỳ. Bà là người phụ nữ Mỹ gốc châu Á, đồng thời là người Mỹ gốc Đài Loan đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đảm nhận chức vụ trong Nội các Tổng thống.

Chồng bà - ông Mitch McConnell là Lãnh tụ Đa số trong Thượng viện Hoa Kỳ từ ngày 3/1/2015. Triệu Tiểu Lan từng được cựu Tổng thống Mỹ Bush Jr. khen ngợi như sau: “Có thiên phú xử lý công việc cực cao, có niềm đam mê và sẵn sàng giúp đỡ người khác để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn”. 

Tự trở thành tấm gương hiếu học, không ngừng nỗ lực cho các con

Ông Triệu Tích Thành được biết đến với danh hiệu "Vua tàu biển người Hoa". Ít ai biết rằng, trước khi trở nên giàu có, ông Triệu cũng từng có giai đoạn lao đao, khốn khó. Năm 1946, ông Triệu Tích Thành khi đó mới 18 tuổi thi đỗ khoa Hàng hải, đại học Giao thông quốc gia. Năm 1949, ông bắt đầu đi buôn trên biển với tư cách học viên và chuyển đến Đài Loan sinh sống.

Năm 1958, ông Triệu chuyển đến sống ở New York, sau đó 3 năm thì đón theo vợ và con gái Triệu Tiểu Lan mới 8 tuổi sang đoàn tụ. Thời điểm đó, ông Triệu mới làm quen với nước Mỹ, chưa có nhiều tiền và đang phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên sự nghèo khó không đánh bại được ý chí của ông.

Triệu Tích Thành sau đó xin vào học tại đại học Columbia nhưng vì phiếu điểm đã bị mất trong chiến tranh nên chỉ có thể trở thành sinh viên dự thính. Dù vậy ông vẫn học tập vô cùng chăm chỉ và xuất sắc lấy được bằng thi đỗ MBA vào năm 1964, rồi tốt nghiệp thạc sỹ 2 năm sau đó. Đây cũng chính là quãng thời gian ông đã sáng lập nên tập đoàn Foremost.

Không chỉ Triệu Tích Thành mà cả vợ ông - bà Chu Mộc Lan cũng là người cực kỳ hiếu học. Khi còn trẻ, bà không thể học đại học vì chiến tranh. Tuy nhiên khi có cơ hội, bà không ngừng phấn đấu để trau dồi kiến thức. Ở tuổi 51, bà Chu đã lấy được bằng Thạc sỹ.

Có bố mẹ hiếu học như vậy nên cả 6 cô con gái đều được truyền cảm hứng tích cực, đặc biệt là Triệu Tiểu Lan. Bởi cô cả chính là người chứng kiến rõ nhất những năm tháng gian truân nhưng đầy nỗ lực của bố. Triệu Tiểu Lan cũng vô thức noi theo sự ham học của bố mẹ.

Khi mới đến Mỹ, Bộ trưởng Giao thông đương nhiệm không hề biết câu Tiếng Anh nào và bị bạn bè chê cười, chế giễu. Tuy nhiên chỉ sau vài năm, bà đã thông thạo Anh ngữ và hoàn thành chương trình trung học với điểm số cao. Các em gái bà được truyền cảm hứng từ bố mẹ và chị nên cũng nỗ lực học hỏi tương tự.


Dạy con sự dũng cảm, không có gì không thể vượt qua

Khi con gái lớn ra đời, Chu Mộc Lan để Triệu Tích Thành đặt tên cho con. Triệu Tích Thành nói: “Cứ gọi là Triệu Tiểu Lan nhé! Hy vọng sau này con lớn lên, sẽ trung dũng và hiếu thuận thay cha tòng quân như Hoa Mộc Lan, đồng thời cũng sẽ giống như mẹ của con hiền thục, bao dung và thiện lương!”.

Kết quả sau này cả 6 cô con gái của ông Triệu đều thông minh, dũng cảm và có bản lĩnh hơn người.

Khi mới sang Mỹ, 3 cô con gái đầu của ông Triệu từng bị phân biệt chủng tộc vì không nói được Tiếng Anh và chưa hòa nhập được với môi trường mới. Để giúp các con, mỗi tuần cả gia đình ông Triệu sẽ quây quần lại để cùng học Tiếng Anh đầy kiên trì và nỗ lực, từ đó mới có thể nhanh chóng hòa nhập.

Ông Triệu dạy các con, dù vấn đề lớn hay nhỏ thì cách giải quyết đều giống nhau. Đó là phải dùng bộ não để suy nghĩ từng bước một thật cẩn thận. Gặp phải khó khăn cũng tương đương với gặp được cơ hội, khó khăn đôi khi lại mang đến những lợi ích không ngờ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Triệu Tiểu Lan và Triệu An Cát nói về cách giáo dục của bố như sau: “Thế giới này rất công bằng, biểu hiện của chúng ta hoàn toàn quyết định ở chính bản thân mình, cũng chỉ có mình mới có thể chiến thắng chính bản thân mình”. 

Lúc Triệu Tiểu Lan mới sang Mỹ, ông Triệu Tích Thành từng nói với cô như sau: "Con không thể làm tổng thống, bởi vì con không phải sinh ra tại Mỹ, nhưng con có hy vọng làm bộ trưởng. Mỗi người đều có thể làm tốt hơn, từng bước một tiến tới, chính là có thể đạt đến tầng cao nhất”. Khi ông vừa dứt lời, tất cả mọi người xung quanh đều cười ồ lên vì nghĩ ông đang đùa. Tuy nhiên cả ông và con gái đều biết rằng mình đang rất nghiêm túc.

Năm 1977, Triệu Tiểu Lan trúng tuyển vào Đại học Harvard. Năm 1979, bà giành được bằng thạc sỹ và sau đó vào làm tại Ngân hàng Hoa Kỳ, đảm nhận vị trí kế toán viên cao cấp.

Năm 1983, Triệu Tiểu Lan tham gia cuộc thẩm định tuyển chọn “Viên chức Nhà Trắng”. Vượt qua 55.000 ứng cử viên, bà trở thành ”Viên chức Nhà Trắng” đầu tiên của châu Á và bắt đầu theo đuổi con đường chính trị.

Ngày 31/1/2017, Triệu Tiểu Lan trở thành Bộ trưởng thứ 18 của Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ. Lúc ấy bà đã gọi điện thoại cho bố mình thông báo: "Bố ơi, con cảm ơn bố! Con đã đạt được nó (I got it)”. Nhưng ông Triệu lại trả lời: “Không phải con đạt được nó mà là con có nó (I have it)”. 

Dạy con biết phụ nữ không thua kém đàn ông

Có 1 điều mà Triệu Tích Thành luôn quan niệm, đó là đừng đặt ra giới hạn cho con gái. Con gái có thể làm được tốt hơn nữa. Thông qua giáo dục, con gái có thể thực hiện bất cứ điều gì. Ông Triệu luôn tin tưởng, phụ nữ không thua kém đàn ông!

Có tận sáu cô con gái trong nhà, vợ chồng ông Triệu từng bị nhiều người mỉa mai, giễu cợt: “Hồi môn cho 6 cô con gái cũng tốn không ít tiền đâu đấy!”. Tuy nhiên vợ chồng ông không hề để bụng. Với ông, con trai và con gái đều như nhau.

Trong một cuộc phỏng vấn, Triệu Tiểu Lan và Triệu An Cát cho biết: "Bố mẹ tôi chưa bao giờ đồng tình với quan điểm: "Phụ nữ không có tài, chính là đức hạnh. Bố mẹ khuyến khích chúng tôi đấu tranh với người khác và chiến đấu với chính bản thân mình vì bình đẳng, vì độc lập, không từ bỏ, không nhượng bộ.

Đàn ông có thể làm gì thì phụ nữ cũng có thể làm điều đó, thậm chí còn làm tốt hơn. Thế giới về cơ bản là công bằng. Tài năng của chúng tôi hoàn toàn nằm ở chính chúng tôi và chỉ có chúng tôi mới có thể đánh bại chính mình". 

Khái niệm bình đẳng còn được ông dạy con thông qua những ứng xử nhỏ trong gia đình. Dù vợ chỉ ở nhà làm nội trợ nhưng ông Triệu luôn yêu thương và tôn trọng bà nhất mực. Dù bận rộn đến mấy, ông cũng xắn tay giúp đỡ vợ công việc nhà và không bao giờ nề hà việc giặt tã, thay đồ cho con.


Bận đến mấy cũng dành thời gian chăm lo, dạy dỗ các con

Là một doanh nhân thành đạt nên Triệu Tích Thành tất nhiên cũng rất bận rộn. Tuy nhiên điều đó chưa bao giờ là cái cớ để ông xao nhãng việc dạy dỗ, chăm sóc các con. Dù bận đến mấy nhưng khi 6 cô con gái muốn hỏi han, tâm sự, ông luôn gạt công việc sang một bên để dành thời gian cho các con. Triệu Tiểu Lan cho biết, tất cả những mốc quan trọng trong cuộc đời cô đều có bố kề vai, sát cánh bên cạnh

Triệu Tích Thành còn đặt biệt dành cho cả 6 cô con gái và cùng con chơi cờ, chơi bóng đá, cưỡi ngựa, bơi lội và du lịch. Chính những lúc vui đùa này, ông nhẹ nhàng dạy thêm cho các con những bài học sống bổ ích, lý thú.

(Theo Afamily)

 Gia Đình Có 6 Chị Em Gái, Trong Đó Có 4 Người Học Đại Học Harvard

0 comments:

Post a Comment

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân
Rèn Luyện Đạo Đức, Trí Tuệ và Nghị Lực Cùng Con

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân
Số Học Ứng Dụng - Công cụ giúp cha mẹ Nuôi dạy con Trưởng thành trong Hạnh phúc