Làm Bạn Với Con

Chào mừng bạn đến với Blog Làm Bạn Với Con, Hạnh Phúc Mỗi Ngày.

Chơi Với Con

Khoảng thời gian chơi với con sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, tạo nên những kỉ niệm hạnh phúc trong cuộc sống.

Học Cùng Con

Học tập là hoàn thiện và phát triển bản thân.

Cùng Con Rèn Luyện

Gia đình là đội nhóm vô địch. Gia đình là nơi cùng học tập, vui chơi, rèn luyện, chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Tình yêu thương là nền tảng của hạnh phúc

Yêu thương có trí tuệ sẽ giúp con cái trưởng thành trong hạnh phúc, bình an và thành đạt.

Wednesday, September 28, 2022

LÀM GÌ KHI CON BƯỚNG BỈNH?

LÀM GÌ KHI CON BƯỚNG BỈNH?
😊AI BƯỚNG HƠN AI?
🥰ĐẰNG SAU SỰ BƯỚNG BỈNH LÀ GÌ?
Mẹ thường thấy mệt mỏi khi nói mãi mà con không nghe, bảo mãi mà con không làm, nhắc mãi mà con không thay đổi!
- "Ăn nhiều rau vào con, ăn nhiều vào thì mới khỏe" Mẹ gắp rau vào bát con.
- "Con không thích ăn rau đâu" Con gắp ra khỏi bát.
- "Đã bảo ăn rau thì mới khỏe được mà" Mẹ lại gắp vào bát con.
- "Con không thích ăn rau mà" Con lại gắp ra.
- "Con không ăn hết bát rau này, mẹ không cho con dùng điện thoại nữa". Giọng mẹ cứng rắn.
- "Con chỉ ăn 1 miếng thôi nhé" Con nói, giọng miễn cưỡng.
- "1 miếng làm sao đủ được, 3 miếng mới được" Mẹ ra điều kiện.
-"Ăn thì ăn. Mẹ cứ bắt con ăn nhiều rau, con không thích mà". Con vừa ăn vừa khó chịu.
===============
Bạn thấy con mình có 'Bướng bỉnh' như vậy không? Nếu xem lại câu chuyện trên, thì chắc bạn cũng nhận ra, ai mới là người bướng hơn! 😊Thì ra, mẹ rất 'kiên trì' uốn con theo ý của mình, nhưng cách làm như vậy thì chúng ta vô tình đã nuôi dưỡng sự bướng bỉnh của con.
==============
Vậy mẹ nên làm thế nào để con bớt bướng bỉnh?
Kinh nghiệm của mình là HÃY LÀM BẠN VỚI CON, trò chuyện với con, lắng nghe con để thấu hiểu con.
Khi mình trò chuyện với con, mình mới hiểu là con không thích ăn loại rau đó, mà con thích ăn rau khác, và nấu theo kiểu khác. Từ đó, mình nấu loại rau con yêu thích nhiều hơn, nhờ vậy con tự động ăn, và ăn nhiều, ăn ngon lành nữa. 😃
Từ đấy mình rút ra kinh nghiệm, chuyện gì cũng nên thảo luận với con, trò chuyện để con hiểu vì sao nên làm điều này, điều kia. Vì nếu con không hiểu, con có thể làm theo ý mẹ khi được mẹ nhắc, nhưng khi không có mẹ, thì con có thể quên hoặc làm theo ý con.
==========
Đằng sau sự bướng bỉnh của con là gì???
Sau nhiều lần 'thi sự bướng bỉnh' với con, áp đặt con/ ép buộc con, thì mình thấy hiệu quả mọi việc rất thấp, không khí gia đình lại căng thẳng. Từ đó, thay vì nhắc con làm cho nhanh, thì mình sẽ dành thêm thời gian để trò chuyện với con, để hiểu con hơn.
Có những việc con chưa biết làm thì mình sẽ làm mẫu, hướng dẫn con từng bước, và quan sát con làm. Khi nào con gặp khó khăn, chưa hiểu thì mình sẽ kiên trì hướng dẫn để con hiểu và có thể làm tốt hơn.
Và mình đã nhận ra, đằng sau sự bướng bỉnh của con là có lỗ hổng trong nhận thức, chưa hiểu, chưa biết rõ mọi thứ, gặp khó khăn trong cách làm việc..... Từ đó, thay vì thúc ép con, mình sẽ cùng con tìm hiểu, học tập và tìm giải pháp cho những vấn đề nảy sinh.
😃Cách của mẹ làm gì khi con bướng bỉnh? Các mẹ hãy chia sẻ ở phần comment phía dưới nha! (Theo FB Làm Mẹ Không Stress)
LÀM GÌ KHI CON BƯỚNG BỈNH? 

Sunday, September 25, 2022

ĐIỂM KẾT NỐI VỚI HẠNH PHÚC

 

ĐIỂM KẾT NỐI NIỀM VUI, TRÍ TUỆ VÀ HẠNH PHÚC TRONG GIA ĐÌNH GIÚP MẸ GIẢM STRESS

Mỗi ngày, các mẹ có rất nhiều việc cần làm, có cả việc có tên và không tên. Vậy làm thế nào để mẹ vừa có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, lại vừa có thời gian kết nối, nuôi dạy con?

Đó chính là những ĐIỂM KẾT NỐI, điểm kết nối này không cần nhiều thời gian, chỉ cần mẹ dành 100% sự quan tâm và năng lượng của mình trong những khoảng thời gian ngắn đó thôi (5 phút, 10 phút, 15 phút...).

  1. ĐIỂM KẾT NỐI VỚI CHÍNH MÌNH : uống trà, cắm hoa, ngắm cây, đọc sách, nghe nhạc, chơi nhạc, vẽ tranh,...
  2. ĐIỂM KẾT NỐI VỚI CON CÁI: lắng nghe con, ngắm nhìn con, trò chuyện với con, chơi cùng con, học cùng con,...
  3. ĐIỂM KẾT NỐI VỚI TRÍ TUỆ: tư duy, đọc sách, viết nhật ký, nghe sách nói, sáng tạo, làm điều gì đó mới, cải tiến đồ vật, học ngoại ngữ, xem các kênh học tập, tìm hiểu thế giới, con người, vũ trụ, động, thực vật, địa lý, lịch sử, kỹ năng sống, khoa học, công nghệ,...
  4. ĐIỂM KẾT NỐI VỚI THIÊN NHIÊN: đi bộ dưới tán cây xanh, đạp xe trên cánh đồng, trồng cây, tưới cây, ngồi ngắm cây, thiền giữa thiên nhiên, chạy trên bãi cỏ, chơi trong công viên, ...
  5. ĐIỂM KẾT NỐI VỚI NGƯỜI THÂN: gọi điện, trò chuyện, tán gẫu, hỏi thăm, chia sẻ, giúp đỡ,...
  6. ĐIỂM KẾT NỐI VỚI CỘNG ĐỒNG: tham gia các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện,chia sẻ bài viết hay, tham gia các hội nhóm tích cực trên FB, học tập online....

Cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ những ĐIỂM KẾT NỐI này, hãy tạo dựng cho mình những ĐIỂM KẾT NỐI chất lượng các mẹ nhé!

Chúc các mẹ thật an vui và có nhiều ĐIỂM KẾT NỐI chất lượng với hạnh phúc, niềm vui, trí tuệ, sức khỏe, gia đình, cộng đồng nha!

Theo FB Làm Mẹ Không Stress

Wednesday, September 21, 2022

5 BÍ QUYẾT ĐỂ VƯỢT QUA CƠN NÓNG GIẬN KHI THẤY CON CHƠI GAME NHIỀU

 

Bạn có khó chịu khi thấy con chơi game nhiều không?
Trước đây, mình là người mẹ dễ nổi nóng. Đặc biệt, khi thấy con mải chơi game, không học bài. Nhắc nhiều mà con không nghe lời, là mình chỉ muốn sập nguồn điện hay rút dây mạng.
Nhưng mình nghĩ như vậy sẽ ảnh hưởng tới máy tính nên chỉ dừng lại ở việc là mắng con một trận. Sau mỗi lần như thế, mình thấy con muốn tránh né mình, ít nói chuyện với mình và sợ khi thấy mình tới gần.
Sự lo lắng, căng thẳng của mình đã truyền sang con, khiến con ít tập trung được khi học tập.
Thế là mình rút ra được một bài học: Hãy kiềm chế trước những cơn giận. Vì mình thấy rằng, sau những cơn giận đó, mọi thứ trở nên xấu hơn, năng lượng của mình và con đều như cạn dần, mệt mỏi hơn và chẳng muốn làm gì cả.
Đây là một vài kinh nghiệm của mình, xin chia sẻ để các mẹ tham khảo nhé:
1- Đọc thần chú: BÌNH TĨNH NÀO! BÌNH TĨNH NÀO!
Khi nào thấy việc gì đấy khó chịu, là mình tự nhủ "Giận thì hại thận, cáu thì hại máu" hoặc "Nóng giận chỉ làm mọi việc xấu đi". Và mình sẽ chậm lại một chút, để tìm giải pháp hợp lý cho vấn đề.
2-HÍT THỞ ĐỀU.
Sau khi tự nhủ, bình tĩnh nào, thì mình sẽ quay về bên trong để làm bạn với cảm xúc giận dữ của mình, và quan sát hơi thở. Việc nhận diện hơi thở, giúp nhịp tim mình được ổn định hơn, nhờ vậy bộ não cũng trở nên bớt nóng hơn.
3-TRÒ CHUYỆN, LẮNG NGHE để THẤU HIỂU.
Sau khi giữ được tâm trạng ổn định hơn rồi, mình sẽ trò chuyện với con để làm bạn với con. Khi chúng ta hòa mình vào thế giới của con rồi, thì con sẽ trò chuyện cởi mở, thoải mái với chúng ta. Từ đấy, chúng ta sẽ hiểu được những mong muốn, khả năng và khó khăn của con.
4-TÌM RA GIẢI PHÁP.
Sau khi trò chuyện thoải mái, thì con sẽ an tâm rằng mẹ tới gần mình để GIÚP mình chứ không phải TRÁCH PHẠT mình. Từ đó, chúng ta có thể cùng con thảo luận để tìm ra giải pháp giúp việc học và chơi hợp lý hơn, cân bằng hơn.
5-CAM KẾT NHỎ.
Để giúp con có ý thức hơn trong việc học và chơi, mẹ hãy cùng con đưa ra những cam kết nhỏ, dễ thực hiện để giúp con xây dựng dần những thói quen tốt. 
Ví dụ: Khi con chơi xong, con đọc sách 15 phút nhé.
Hoặc: Con học bài 30 phút đi rồi mẹ cho con chơi tiếp 30 phút nhé.
Hoặc: Con chơi game nhiều sẽ mỏi mắt, nên sau mỗi 15 phút chơi thì ra nhìn cây 5 phút nhé. 
Kèm theo những cam kết đó là những lời động viên, khen ngợi những việc mà con làm tốt được.
Khi con có nhận thức tăng dần, ước mơ lớn dần, muốn trở thành người tốt hơn, có giá trị hơn thì con sẽ có thể giảm bớt thời gian chơi game.
Hy vọng, với những kinh nghiệm này, sẽ giúp các mẹ giảm stress trước các cơn nóng giận và làm bạn với con thật vui nha!
Theo FB Làm Mẹ Không Stress

Sunday, September 18, 2022

🙂LẮNG NGHE CON ĐỂ GIẢM STRESS CHO CẢ MẸ VÀ CON

"Mẹ chẳng gọi con dậy sớm gì cả, làm con chưa học xong bài đây này" - Cô con gái nói giọng trách móc.
"Con lớn rồi, sao con không tự đặt chuông và dậy chứ?".
...
Sau đó là những màn đối thoại, à không, tranh cãi: Tại mẹ, tại con.... khiến không khí trở nên căng thẳng.
-----------
Con cái thường được chúng ta hỗ trợ, giúp đỡ nên có xu hướng nhờ vả chúng ta. Với những nhờ vả hợp lý thì chúng ta có thể giúp con được. Còn với những nhờ vả không hợp lý thì chúng ta thường TỪ CHỐI ngay, khiến con cũng PHẢN ỨNG lại ngay.
Vậy làm sao để giúp con tìm được giải pháp hợp lý, giúp mẹ và con giảm stress trong những tình huống bất như ý?
 
BÍ QUYẾT LÀ: HÃY LẮNG NGHE CON THẬT KỸ!!!
 
- Khi con nói trong sự căng thẳng, tức là con đang gặp khó khăn, nếu lúc đó mẹ nói ngay những giải pháp của mẹ thì chưa chắc con đã tiếp thu được ngay. Vì điều con cần là một thứ khác: đó là SỰ ĐỒNG CẢM.
- Mẹ hãy lắng nghe để cảm nhận khó khăn thực sự của con là gì? Sau đó mới thảo luận với con để cùng tìm ra giải pháp hợp lý với khả năng của con.
==========
Trong cuộc sống gấp gáp hiện nay, việc Bình tĩnhLắng nghe chính là một điều cần luyện tập.
Đây là gợi ý về cách trò chuyện với con, các mẹ tham khảo nha:
 
Ví dụ 1:
😦"Mẹ chẳng gọi con dậy sớm gì cả, làm con chưa học xong bài đây này" - Cô con gái nói giọng trách móc.
"À, hôm nay, mẹ hơi mệt nên dậy trễ hơn bình thường. Con còn nhiều bài tập không?".
"Con còn mấy bài nữa". Giọng vẫn hơi khó chịu.
"Con gái mẹ đã cố gắng rồi. Hôm qua mẹ cũng thấy con thức khuya làm bài".
"Vâng ạ, con có nhiều bài tập lắm".
"Làm sao để con chủ động dậy sớm nhỉ? Mẹ thỉnh thoảng ngủ quên mất?"
"Để con tự đặt đồng hồ ạ".
"Yeah, đúng rồi, con có trách nhiệm lắm!".
 
Ví dụ 2:
😦"Mẹ chẳng mang balo hộ con, con mang 2 cái cặp để giỏ xe nặng quá" - giọng hơi hờn dỗi.
Bình thường mẹ sẽ nói: "Sao con không đeo 1 cái, và để 1 cái vào giỏ xe".
 
------- Khi bình tĩnh hơn, mẹ có thể nói:
 
🙂"À, hôm nay con mang nhiều cặp nhỉ, chắc là nặng đấy, con gặp khó khăn gì không?"
"Con lái xe thấy khó, cứ chuệch choạng".
"Thế à con, con có cách gì để cải thiện tình hình này chưa?"
"Con chưa biết".
"Nếu là con, mẹ sẽ đeo 1 cái và để 1 cái ở giỏ xe. Lần sau con thử xem nhé".
"Vâng ạ, con cảm ơn mẹ".
-----
Sự khó khăn sẽ làm con khó chịu, và khiến mẹ khó chịu theo,...Tuy nhiên nếu biết cách lắng nghe, đồng cảm, sẻ chia...thì mẹ và con sẽ giúp khó khăn nhỏ lại, và sự khó chịu sẽ tan biến nhanh hơn.

Theo FB Làm mẹ không stress🥰

Wednesday, September 14, 2022

MỖI SAI SÓT LÀ MỘT MÓN QUÀ TRONG NUÔI DẠY CON

 

Cùng con rút kinh nghiệm sau mỗi sai sót, sẽ giúp con NHẬN THỨC được rõ vấn đề, từ đó Ý THỨC được việc gì nên làm và không nên làm.
🥰Cha mẹ hãy thảo luận với con với tâm trạng bình tĩnh, nhẹ nhàng, yêu thương nhé. Để con cảm nhận được sự quan tâm chân thành từ cha mẹ. 
 
Ví dụ. Khi con để cốc nước ở mép bàn, và chẳng may va tay vào làm rơi cốc. Mẹ có thể nói: "Trước mẹ cũng vụng về lắm, hay làm rơi đồ, sau đó mẹ rút ra được bài học. Theo con, đó là bài học gì?"....
Mẹ hãy lắng nghe ý kiến của con: " Chắc mẹ quan sát cẩn thận ạ".
"Đúng rồi con, tuyệt lắm, còn gì nữa không con?"
"Mẹ không chạy nhanh trong nhà ạ"
"Yeah, đúng thế con ạ".
"Còn gì nữa không nhỉ?"
"À....con chưa nghĩ ra ạ"
"Còn một tuyệt chiêu nữa con ạ. Đó là để cốc nước vào giữa bàn, để cốc nước được an toàn hơn con ạ". 😃
"Vâng ạ, con cảm ơn mẹ, con hiểu rồi ạ! Con sẽ chú ý".
"Rất tốt, chúng ta cùng nhắc nhau nhé, đôi lúc mẹ cũng hay quên 😊"
"Vâng ạ!"

5 Việc Mẹ Cần Chú Ý Để Giúp Con Bớt Tự Ti, Nhút Nhát, Sợ Hãi

 5 Việc Mẹ Cần Chú Ý Để Giúp Con Bớt Tự Ti, Nhút Nhát, Sợ Hãi. 

1. KHÔNG MẮNG CON TRONG BỮA ĂN VÀ TRƯỚC KHI ĐI NGỦ. 
 
Khi mắng con trong bữa ăn, thì cảm xúc của con sẽ trở nên tiêu cực, ăn không còn ngon nữa, sự hấp thu cũng sẽ giảm và sức khỏe của con cũng bị ảnh hưởng. "Bữa cơm chan nước mắt" sẽ khiến cả mẹ và con đều stress.
Không nên mắng con trước khi đi ngủ, vì vô thức của con sẽ ghi nhận những điều không hay và lưu giữ vào trong ký ức rất lâu, vì vậy, con sẽ hay buồn bã hoặc lo lắng vì sợ mẹ mắng.
 
2. KHÔNG DỌA CON. 
 
Khi mẹ dọa con để con sợ không dám làm điều này điều kia, thì nỗi sợ đó sẽ đi vào vô thức của con, khiến con hay sợ hãi và nhút nhát. Thay vào đó, mẹ hãy giải thích cho con hiểu rõ vì sao không làm điều này, điều kia. Như vậy, khi con có đủ nhận thức thì con sẽ ý thức được việc gì mình nên làm và không nên làm.
 
3. KHÔNG SO SÁNH CON VỚI NGƯỜI KHÁC. 
 
Khi so sánh con với người khác, con sẽ cảm thấy mình không được yêu thương và tôn trọng bằng người mẹ lấy ra so sánh. Từ đó, con sẽ thu mình hơn, tự ti và nhút nhát hơn. Thay vào đó, mẹ hãy ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của con, động viên con mỗi ngày một chút, dần dần con sẽ tiến bộ hơn con của ngày hôm qua.
 
4. KHÔNG CHÊ BAI, CHỈ LỖI CON TRƯỚC MẶT NGƯỜI KHÁC.
 
Việc chê con trước mặt người thân, bạn bè, thầy cô...sẽ khiến con cảm thấy mình thật kém cỏi, xấu hổ và ngại gặp gỡ mọi người. Khiêm tốn không có nghĩa là hạ thấp mình. Khiêm tốn đơn giản chỉ là sự ham học hỏi, thấy nhiều điều thú vị, tích cực từ những người xung quanh, từ cuộc sống để mình hoàn thiện và phát triển bản thân hơn. 
 
5. KHÔNG NHẮC ĐI NHẮC LẠI SAI LẦM CỦA CON.
 
Ai cũng có những sai sót, sai lầm như làm mất đồ, rơi đồ, vỡ đồ... Nhưng nếu mẹ nhắc đi nhắc lại sai lầm của con, đặc biệt, trước những chuyến đi chơi, thì sẽ làm con giảm hứng thú, từ đó hòa khí trong gia đình cũng giảm theo. Hãy để con có cảm xúc và những ký ức tươi vui trọn vẹn, để con tự tin và yêu đời hơn.
Nếu muốn con rút kinh nghiệm từ những sai sót, thì mẹ hãy lựa thời điểm phù hợp để thảo luận và nói với con một cách nhẹ nhàng: "Trước mẹ cũng vụng về lắm, hay làm rơi đồ, sau đó mẹ rút ra được bài học. Theo con, đó là bài học gì?...." Mẹ hãy lắng nghe con nói. Sau đó ghi nhận ý kiến của con, và bổ sung những kinh nghiệm của mẹ: "Mẹ sẽ để cốc nước vào sâu trong bàn, không để mép bàn nữa, để tránh va vào và gây rơi, vỡ..."
 
Chúc các mẹ sẽ bớt stress trước những sai sót của con và giúp con ngày càng tự tin, tươi vui nhé! 
(Theo FB Làm Mẹ Không Stress)

Monday, September 12, 2022

5 BƯỚC GIÚP CHA MẸ KHÔNG STRESS KHI DẠY CON HỌC Ở NHÀ

 Việc kèm con học tập ở nhà là cần thiết, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1 và cấp tiểu học để giúp các con có thói quen học tập. Thế nhưng, có nhiều mẹ cảm thấy áp lực, vì khi con học ở nhà không tập trung nên mất nhiều thời gian hoàn thành bài tập. 

Cùng Làm Mẹ Không Stress tham khảo những bước sau để giúp việc kèm con học tập là những thời gian vui vẻ, hạnh phúc nhé!
* Bước 1: Chuẩn bị tâm lý và không gian, thời gian.
 
- Các mẹ hãy chuẩn bị tâm lý rằng việc kèm con học tập chính là thời gian kết nối thân tình trong gia đình. Mẹ chính là điểm tựa tinh thần vững vàng để giúp con cái tự tin hơn. Chính vì vậy, mẹ hãy chuẩn bị tâm thái bình tĩnh, vui vẻ, kiên nhẫn và yêu thương. Bình tĩnh trước sự không tập trung của con, kiên nhẫn khi thấy con học bài còn chậm, vui vẻ để con cảm thấy thoải mái khi được học tập và yêu thương để con thấy mình cũng được quan tâm lắm chứ. Khi mẹ kiên nhẫn lắng nghe, động viên và thảo luận cùng con, con cũng sẽ học được sự bình tĩnh, kiên nhẫn và tinh thần hợp tác tích cực từ mẹ.
 
- Không gian: Mẹ hãy sắp xếp không gian yên tĩnh, đủ ánh sáng, và bàn ghế phù hợp với độ tuổi của trẻ. Để đồ đạc gọn gàng, đặc biệt không nên để đồ chơi ở trong tầm mắt của trẻ để tránh sự xao lãng. 
 
- Thời gian: Phù hợp với trẻ, nên học sớm để trẻ có thể ngủ sớm. Trẻ có thể tập trung trong khoảng 15-30 phút, sau đó nên nghỉ ngơi nhẹ nhàng, rồi tiếp tục học, không nên để trẻ học liên tục trong thời gian dài, trẻ sẽ mệt mỏi, chán và sợ học. 
 
* Bước 2: Quan sát và Động viên, khuyến khích trẻ trong quá trình trẻ học tập.
 
"Trẻ cần động viên như cây non cần nước". Quá trình học tập sẽ không tránh khỏi những lỗi sai, tẩy xóa,...Thay vì quát mắng hay than phiền với trẻ, mẹ hãy động viên trẻ: "Con đã cố gắng rồi, sai một chút thì mình sửa lại nhé, hồi xưa mẹ cũng thế", "Con viết tiến bộ hơn hôm qua rồi, mỗi ngày cố gắng một chút con sẽ viết rất đẹp", "Con nỗ lực tốt lắm, chắc chắn con sẽ hoàn thành bài tập này".... 
 
* Bước 3: Mẹ làm gương cho trẻ.
 
Khi con học bài, cha mẹ cũng đọc sách ở bên cạnh, để làm gương cho con thấy, cha mẹ cũng đang học bài chăm chỉ lắm. Mẹ không cần thiết "dõi theo" việc học của con nhiều quá, như vậy, con sẽ có cảm giác không tự nhiên. Thay vì đó, mẹ đọc sách ở bên cạnh con. Khi nào con cần trợ giúp, thì mẹ có thể hỗ trợ con kịp thời. Trước khi hỗ trợ, hãy động viên con tự mình tìm cách làm bài thêm đã nhé, đợi mẹ đọc nốt phần này, mẹ tin con sẽ tìm được cách làm hợp lý. Như vậy, con sẽ tự lập hơn và không ỷ lại vào mẹ. 
 
* Bước 4: Hãy thảo luận với trẻ để tăng sự tư duy độc lập của trẻ.
 
Khi gặp những bài toán khó, bài văn khó hoặc lạ,...trẻ có thể sẽ không biết làm. Nếu không có sự trợ giúp của mẹ, có thể trẻ sẽ bỏ qua, dần dần sẽ bị hổng kiến thức và cảm thấy thiếu tự tin khi đi học, từ đó sẽ ngại học, sợ học. Mẹ hãy hỗ trợ bằng cách thảo luận với con như hai người bạn, để gợi ý cho con tự tìm ra cách làm bài. Nếu bài nào khó quá, mẹ có thể ghi chú lại để hỏi cô giáo. Và mẹ có thể nói: "Bài này khó con nhỉ, con ghi chú lại để đến lớp hỏi cô giáo rồi về giảng lại cho mẹ nhé, hồi xưa mẹ chưa được học dạng bài này". Bằng việc thảo luận này, trẻ sẽ thấy việc học cũng thú vị lắm và sẽ tập trung khi ở lớp để hiểu bài, và chủ động hỏi cô để về giảng lại cho mẹ. 
 
* Bước 5: Chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
 
Việc chuẩn bị, đọc bài trước khi đến lớp giúp trẻ hiểu bài hơn, tự tin và chủ động hơn trong học tập. Mẹ hướng dẫn con đọc sách giáo khoa trước khi đến lớp, thảo luận những câu hỏi ở cuối bài học trong sách...Việc đồng hành với con sẽ giúp con trẻ tự tin hơn và thấy mẹ luôn quan tâm, yêu thương mình, là những người bạn cùng tiến của mình. 
 
Thật tuyệt vời! Con biết cách học hiệu quả, mẹ sẽ không còn thấy áp lực, căng thẳng nữa.
 
Hy vọng với 5 bước cơ bản này, mẹ và con cái sẽ luôn có khoảng thời gian kết nối thú vị, vui vẻ và bổ ích! Để con thấy việc học thật là vui, thì mẹ cũng chuẩn bị tâm thái thật tích cực nha!
Chúc các mẹ và các con mỗi ngày học là một ngày vui nha!
 
Theo FB Làm Mẹ Không Stress

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân
Rèn Luyện Đạo Đức, Trí Tuệ và Nghị Lực Cùng Con

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân
Số Học Ứng Dụng - Công cụ giúp cha mẹ Nuôi dạy con Trưởng thành trong Hạnh phúc