Sau cú sốc trượt lớp 10 trường chuyên, Khánh Linh giành giải nhì học sinh giỏi của Hà Nội rồi trở thành thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khóa 2018-2022.
Nguyễn Thị Khánh Linh (22 tuổi, Thường Tín, Hà Nội), tốt nghiệp lớp Quan hệ quốc tế và Truyền thông toàn cầu K38 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền với điểm GPA 3.81/4, được chọn phát biểu tại Lễ Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2022 hôm 18/11.
Nữ thủ khoa chia sẻ, động lực khiến em quyết tâm học tập là tình yêu, những hy sinh và vất vả mà bố mẹ em đã trải qua. "Bố mẹ em là lao động tay chân bình thường, nhưng trong việc học tập, bố mẹ chưa bao giờ tiết kiệm với em", Linh nói. Vì thế, mỗi khi gặp khó khăn, em đều tự giác vượt qua, không bao giờ phàn nàn.
Ngày học cấp 1, Linh học ở ngôi trường làng gần nhà - Tiểu học Văn Phú và đạt loại giỏi suốt 5 năm liền, tham gia nhiều kỳ thi chọn học sinh giỏi của trường, huyện. Khi lên cấp 2, bố mẹ gửi em ra học ở trường huyện - trường THCS Thường Tín, nay là trường THCS Nguyễn Trãi A.
Chuyển sang trường mới, Linh tự ti vì điểm số ban đầu thường chỉ đạt dưới trung bình. Nhưng cô học trò lớp 6 cũng nhanh chóng nhận thức rằng không nên đắm chìm trong cảm giác nghi ngờ năng lực bản thân lâu, mà phải vượt lên bằng cách tăng thời gian học tập. Linh nhớ hồi ấy đã ngồi hàng giờ để giải một bài toán khó và dành phần lớn thời gian trong ngày để làm bài tập, luyện đề, đến khi nào làm xong thì mới đứng dậy. Điểm số của em bắt đầu thay đổi sau một học kỳ. Từ năm lớp 7, điểm học tập của Linh đứng đầu lớp và giữ phong độ đến hết lớp 9.
Tuy nhiên, cú sốc đến với Khánh Linh vào năm 2015, khi nữ sinh không đủ điểm giành vé vào lớp 10 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.
"Có người an ủi em là 'học tài thi phận', nhưng em biết hôm đó em đã làm bài không tốt, tự đánh mất cơ hội chứ không có sự kém may mắn gì ở đây", Linh nhớ lại. Theo học trường THPT Thường Tín, nữ sinh xác định phải nỗ lực nhiều hơn. Ngoài việc học hành chăm chỉ trên lớp, em giữ thói quen tìm kiếm những đề thi của trường chuyên để ôn luyện.
Năm lớp 12, Linh tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn thành phố, tại điểm thi trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Với đề nghị luận văn học về tác phẩm "Chữ người tử tù", nữ sinh giành giải Nhì. Linh cho rằng, thành tích đó giống như một "thành công nảy mầm từ thất bại", giúp em thêm vững tin vào bản thân.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, với 25 điểm khối D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), Linh trúng tuyển vào ngành Quan hệ quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. "Nếu ngày thi vào lớp 10, em đỗ vào trường chuyên như mong muốn thì chưa chắc em đã có thể đột phá như vậy", Linh nói.
Trong học kỳ đầu tiên ở đại học, Linh đi xe bus 30 cây số mỗi ngày từ nhà đến trường. Linh nói khó khăn lớn nhất là cách học ở đại học khác so với môi trường cấp 3. Thầy cô truyền tải một khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi sinh viên phải có khả năng nắm bắt và ghi nhớ nhanh. Ngoài ra, khả năng tiếng Anh của Linh chưa tốt. Vì thế, ngoài chăm chỉ học chuyên môn, Linh dành nhiều thời gian để luyện các kỹ năng tiếng Anh.
Từ học kỳ hai, Linh xin vào ở ký túc xá để vừa đi học, vừa đi làm. Nữ sinh nhận việc ở mảng truyền thông sáng tạo nội dung cho một doanh nghiệp du lịch để tăng va chạm xã hội và tích luỹ kinh nghiệm. Thường xuyên bận rộn, đi sớm về muộn, ăn uống không đầy đủ, Linh sụt 8 kg sau một năm.
Nhờ nỗ lực, Linh đạt danh hiệu sinh viên giỏi trong hai năm đầu, rồi trở thành sinh viên xuất sắc kể từ năm thứ ba, giành học bổng ở tất cả các kỳ học.
Linh đạt điểm 9,5/10 cho khoá luận tốt nghiệp "Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức trên lĩnh vực kinh tế từ năm 2011 đến nay" và đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc toàn khóa, thủ khoa đầu ra Học viện Báo chí và Tuyên truyền khóa 38. Em cũng được kết nạp Đảng hôm 21/6.
"Chỉ cần mình có năng lực và cố gắng thì sớm hay muộn cũng sẽ gặt hái được quả ngọt", Linh nói. Linh luôn đặt mục tiêu cụ thể về thành tích, điểm số và những kiến thức, kỹ năng đạt được qua mỗi môn học, kỳ học. Linh có thói quen lập thời gian biểu mỗi ngày, mỗi tuần, giúp cân bằng học tập, giải trí cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa. Từ khi học tiểu học đến đại học, nữ sinh luôn hoàn thành bài vở trước 22h để nghỉ ngơi sớm, đảm bảo sức khỏe.
Với lợi thế của "dân văn", em ghi chép nhanh, ngay trên giảng đường, Linh đã nắm bắt được kiến thức, đến cuối kỳ, em chỉ hệ thống lại trước một ngày trước khi thi.
Nữ sinh cho biết cũng đôi lúc gặp những môn học ít hứng thú, thậm chí là sợ, như môn Luật pháp quốc tế học bằng tiếng Anh. Em phải cố gắng tìm ra điểm thú vị của từng môn học để có động lực học tập.
Linh chủ động đề xuất các chủ đề thảo luận với giáo viên và các bạn, để tiết học sôi động hơn. Là lớp phó học tập, em cũng sát sao với tiến độ học tập của cả lớp, giải đáp những thắc mắc của bạn bè. Linh tâm sự "tính em cẩn thận, khắt khe và cầu toàn khiến không ít bạn trong lớp cảm thấy khá áp lực khi làm việc nhóm". Tuy nhiên, sau khi đã quen, mọi người không còn phàn nàn mà hăng hái cùng nhau hoàn thành bài vở. Theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế, nữ sinh nói nhận thức được việc rèn luyện tư duy phản biện, đa chiều trước mỗi vấn đề.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, chủ nhiệm lớp của Linh, đánh giá em là một sinh viên năng động, cầu thị, ham học hỏi và luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực. Linh còn có "tinh thần khiêm tốn, chan hòa với tập thể và khả năng dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm".
Linh cho biết đã tìm được việc làm với thu nhập khá, tích lũy thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho những kế hoạch trong tương lai. "Em mong truyền cảm hứng cho hai em, và rất nhiều bạn nhỏ ở làng xã nơi em đang sinh sống, rằng dù xuất phát điểm ở đâu, nếu có ý chí và nghị lực, mọi người có thể tạo nên những thành tích ấn tượng", Linh nói.
0 comments:
Post a Comment