Hà NộiTham khảo nhiều chuyên gia nước ngoài, chị Hồng không thể tìm ra bí quyết trồng đông trùng hạ thảo, cho đến khi nghe hàng xóm kể chuyện nuôi lợn, trồng rau.
Hai mươi năm trước, khi còn là sinh viên, chị Nguyễn Thị Hồng đã thích nghiên cứu về nấm. Một lần tìm kiếm tài liệu trên mạng, chị biết đến đông trùng hạ thảo, ngạc nhiên khi nó có tới hơn 20 công dụng, lại hiếm và đắt đỏ.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Sắt, nguyên Vụ phó Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết đông trùng hạ thảo cùng với linh chi, nhân sâm và tam thất tạo thành "bộ tứ thần dược" có tác dụng tốt với sức khỏe con người.
Kể từ đó, chị Hồng đi khắp các viện nghiên cứu hỏi giống, nhưng chuyên gia nói nơi gần nhất có là Trung Quốc. "Tôi muốn mang giống về Việt Nam để trồng", cô sinh viên ngành công nghệ sinh học nói.
Chị Hồng đánh giá chất lượng lọ đông trùng chuẩn bị xuất ra thị trường, tại phòng nhân giống, chiều 10/12. Ảnh nhân vật cung cấp
Ra trường, Hồng làm nhân viên kỹ thuật trong nhà máy bia. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, chị xin nghỉ, về nhà trồng nấm trên diện tích đất 10.000 m2 của gia đình, đồng thời bắt đầu nghiên cứu về nấm đông trùng hạ thảo. "Tôi nghĩ chỉ đọc sách vở, không ứng dụng thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Phải làm thực mới biết", chị hạ quyết tâm chinh phục loài nấm quý và khó tính.
Qua Internet, Hồng quen một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc. Một mình, chị bắt tàu lên Lạng Sơn, nhờ người phụ nữ dẫn đến các cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo mua giống và học kinh nghiệm. Sau chuyến xuất ngoại, thành quả chị mang về một phôi nấm, giá năm triệu đồng.
Hồng mua lại dụng cụ thí nghiệm cũ nuôi cấy phôi. Từ một phôi nấm, chị nhân ra mỗi đợt 50 lọ, sau đó lên 200 lọ. Lần đầu đến thăm phòng thí nghiệm của Hồng, ông Nguyễn Ngọc Quán, nguyên Vụ trưởng Hợp tác khoa học kỹ thuật với nước ngoài, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước vừa bất ngờ vừa xúc động, khi thấy chị làm nghiên cứu bằng dụng cụ cũ kỹ, trong một ngôi nhà mái ngói thủng, rộng 20 m2.
"Nhiều chuyên gia biết đến loại nấm quý này, nhưng chỉ trồng trong phòng thí nghiệm thành công đã mãn nguyện, còn một cô gái trẻ như Hồng lại nuôi ước mơ biến nó thành sản phẩm thương mại. Chính cô ấy đã trang bị cho tôi những kiến thức ban đầu và niềm đam mê với đông trùng hạ thảo", ông Quán nói.
Nấm quý trồng được, chị Hồng mang tặng người thân, hàng xóm. Thấy có công hiệu, nhiều người truyền tai nhau, chị bắt đầu có khách hàng. Năm 2012, Hồng quyết định bán một mảnh đất, vay ngân hàng thành lập doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo.
Từ một mẻ nấm, chị chia làm năm phần, đóng thùng gửi đi Mộc Châu, Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt, để một phần lại Hà Nội để xem nơi nào điều kiện khí hậu giúp nấm phát triển tốt hơn. Kết quả là ở Đà Lạt để trong phòng nhỏ, chỉ mở cửa sổ, không cần bật điều hòa, nấm đông trùng hạ thảo lớn nhanh và đẹp nhất. Chị quyết định xây dựng thêm cơ sở sản xuất rộng 5.000 m2 tại thành phố này.
Tuy nhiên, điều chị không hình dung được là trồng đông trùng quy mô phòng thí nghiệm khác với sản xuất đại trà. Những mẻ nấm liên tiếp thất bại. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của chị chất đầy một ôtô đông trùng hạ thảo chở ra bãi rác.
Mất cả tỷ đồng, những đêm đó, bà chủ trẻ gần như không ngủ. Cứ hai giờ sáng, chị dùng xe máy chở 1,5 tạ nấm ăn ở vườn nhà, mang đi bán khắp các chợ đầu mối Hà Nội để lấy tiền chi tiêu cho gia đình.
"Nếu chỉ tập trung vào nấm ăn có lẽ tôi cũng đủ sống sung túc, nhưng vì khát khao nuôi cấy thành công đông trùng, tôi mới đẩy mình vào cảnh éo le", chị nói. Loại nấm quý hiếm này nuôi trồng nhân tạo trên nền cơ chất sẵn có như gạo lứt, nước dừa, nhộng tằm... Để có tiền mua những thứ này, chị Hồng lấy lợi nhuận từ trồng nấm thông thường.
Có điều, lợi nhuận nấm ăn mang lại không đủ cho những thất bại. Hồng liều đi vay lãi ngày, khi trong nhà không còn gì để bán. Căng thẳng, có thời điểm chị ở trong nhà suốt ba tháng liền, người thân gọi không dám nghe máy vì nợ nần ngày càng chất chồng trong khi vẫn "cứng đầu" theo đuổi nghiên cứu cách sản xuất đông trùng hạ thảo quy mô lớn.
Năm 2018, chị lên đỉnh Fansipan để tìm giống đông trùng bản địa. Trước đó một năm, công ty dược của chị Hồng bắt đầu phát triển nguồn gen bản địa. Ảnh nhân vật cung cấp
Khi sinh con thứ ba, năm 2013, Hồng mang nốt thứ tài sản giá trị cuối cùng trong nhà là chiếc xe máy, đi cầm cố để lấy tiền lo viện phí. "Lúc trên bàn mổ, tôi chỉ sợ mình chết các con sẽ mồ côi và người thân phải gánh một cục nợ trên trời rơi xuống", chị kể.
Mỗi một mẻ nấm đổ đi, Hồng dặn mình phải nhớ đến câu chuyện về đứa trẻ chặt cây từng đọc. "Sức nó yếu, nhưng mỗi ngày, cố một nhát, cũng đến ngày cái cây đổ xuống. Tôi tin nếu mình muốn cái gì, nỗ lực làm, thì nhất định sẽ thành công", Hồng tin tưởng. Chị gửi email hỏi khắp các chuyên gia trong và ngoài nước nhưng không có câu trả lời.
Một lần, sau hàng tháng trời ở lì trong phòng thí nghiệm, chị ra ngoài hít khí trời. Gặp người hàng xóm, chị Hồng hỏi bâng quơ: "Đợt này bác nuôi lợn nái hay lợn thịt?". Người này đáp: "Chỉ nuôi lợn thịt". Chị hỏi lý do, ông đáp: "Chế độ nuôi lợn thịt và lợn nái khác nhau. Lợn nái phức tạp hơn".
Đột nhiên, trong đầu chị Hồng lóe lên suy nghĩ, đông trùng mọc cây, đẻ nhánh cũng giống lợn nái đẻ. Nếu tỉ lệ cacbon/nitơ sai, đông trùng chỉ hình thành cơ quan sinh dưỡng mà không hình thành bào tử, tức là cơ quan sinh sản. Ngoài ra, ánh sáng cũng phải thay đổi tùy giai đoạn phát triển. Hồng thử thay đổi công thức, quả nhiên nấm hình thành.
Mọc cây, nhưng nấm chỉ lên được một hai cây trong một lọ hoặc nhiều nhưng còi cọc. Sản phẩm không thể bán, chị Hồng lần thứ hai rơi vào bế tắc.
Một lần khác, chị đi ngang qua cánh đồng gần nhà, thấy người dân đang hái ngọn bí ngô vứt đi để đẻ nhánh. Hồng bắt chước, về ngắt ngọn nấm đông trùng, thấy cây con đua nhau mọc. "Đi hỏi khắp nơi nhưng cuối cùng chính những nông dân ở ngay cạnh mình cho lời giải", chị nói.
Cuối năm 2015, chị Hồng hoàn thiện quy trình sản xuất, bắt đầu bán đông trùng hạ thảo ra thị trường. Chỉ hai năm sau, vợ chồng chị thay ngôi nhà dột nát bằng một ngôi nhà khang trang, trả hết nợ nần. Hiện tại, doanh thu từ đông trùng hạ thảo từ công ty dược liệu của chị Hồng là 40 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 100 lao động thường xuyên.
Chiều 8/12, chị Hồng bất ngờ với sự xuất hiện của ông Quán tại văn phòng công ty. Ông đến chúc mừng chị vừa được vinh danh là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, hôm 2/12.
"Ai cũng có thể làm nông dân, nhưng không phải ai cũng trở thành nông dân xuất sắc. Trong khi Hồng vừa là nông dân lại vừa là doanh nhân tỷ phú. Thành quả của cô ấy đến từ nỗ lực không ngừng, ham học hỏi và đam mê bất tận", ông Quán nói.
(VnExpress)
0 comments:
Post a Comment