Làm Bạn Với Con

Chào mừng bạn đến với Blog Làm Bạn Với Con, Hạnh Phúc Mỗi Ngày.

Chơi Với Con

Khoảng thời gian chơi với con sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, tạo nên những kỉ niệm hạnh phúc trong cuộc sống.

Học Cùng Con

Học tập là hoàn thiện và phát triển bản thân.

Cùng Con Rèn Luyện

Gia đình là đội nhóm vô địch. Gia đình là nơi cùng học tập, vui chơi, rèn luyện, chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Tình yêu thương là nền tảng của hạnh phúc

Yêu thương có trí tuệ sẽ giúp con cái trưởng thành trong hạnh phúc, bình an và thành đạt.

Thursday, November 24, 2022

Cô học trò nghèo có ước mơ thành cô giáo, đỗ thủ khoa Đại học Trà Vinh

 Đỗ thủ khoa khối C20 tại Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV) với tổng điểm 27, cô học trò Trần Lê Thanh Vy đến gần hơn với ước mơ làm cô giáo của mình.

Trần Lê Thanh Vy là học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Kỳ thi Đại học năm nay, Thanh Vy đã xuất sắc giành ngôi vị thủ khoa của Trường ĐHTV chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn với tổng điểm là 27 (trong đó Ngữ văn: 8.5 điểm; Địa lý: 9.0 điểm; GDCD: 9.25 điểm).

Trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 của Trường ĐHTV, Thanh Vy là một trong những tân sinh viên có thành tích cao trong kỳ xét tuyển đại học năm 2022 được Nhà trường tuyên dương.

Ngày nhập học, Thanh Vy đi cùng với mẹ đến trường. Cảm giác được ghi tên mình vào lớp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn với em là một điều khó tả. Từ đây, Vy biết rằng mẹ em sẽ phải làm việc nhiều để em có thể đi tiếp chặng đường học đại học của mình.

Được biết, Thanh Vy sinh ra trong một gia đình đơn thân. Từ nhỏ em sống với bà ngoại, mẹ và em gái. Hiện tại hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, bà ngoại năm nay đã 65 tuổi, bà và mẹ em làm lụng vất vả để kiếm thu nhập cho gia đình, trang trải cuộc sống, lo cho 2 chị em ăn học.

Thanh Vy tâm sự: “Nhận thấy hoàn cảnh gia đình em đơn chiếc, mẹ và bà ngoại là trụ cột gánh vác gia đình nên em dằn lòng mình không được yếu đuối, không được bỏ cuộc mà phải cố gắng nhiều hơn hơn nữa”. Ban ngày em đi học, tối về phụ mẹ đơm nút, ủi vải, em thường đặt cuốn tập ôn bài bên ánh đèn nhỏ treo cạnh chiếc máy may đã cũ. Cứ vài ba hôm, em lại đi giao quần áo đã sửa cho bà con hàng xóm.

Về phần mình, mong muốn làm cô giáo đứng trên bục giảng là ước mơ từ khi học lớp 2, lúc đó do hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, mẹ bận chăm em gái nhỏ nên hàng ngày em phải một mình đi bộ đến trường. Nhưng nhờ có cô giáo chủ nhiệm đã hàng ngày đưa đón em đi học lúc tan về nên em rất quý mến cô. Đó cũng là lý do em cũng muốn trở thành một cô giáo, có thể giảng dạy cũng như yêu thương giúp đỡ học sinh.

Thanh Vy tâm sự: “Với kết quả trúng tuyển ngành yêu thích tại Trường ĐHTV, cả nhà em vỡ òa trong niềm hạnh phúc, sung sướng và tự hào. Thế là em đã có cơ hội được tiếp tục học tập, con đường phía trước thêm rộng mở và thực hiện ước mơ được làm nhà giáo của mình.

Để có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực, suốt năm lớp 12, Thanh Vy đã miệt mài chăm chỉ học hành và xếp loại giỏi cả 03 năm liền THPT. Ngoài thời gian học ở trên lớp, em còn tự học ở nhà. Không chỉ làm những bài tập của thầy giáo giao cho mà em còn tự mình lên mạng tìm những đề bài khó và lạ. Bởi theo Thanh Vy, đi thi không phải lúc nào câu hỏi cũng đều dễ.

Nói về bí quyết học tập, Thanh Vy chia sẻ: “Cần phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó phần bài tập mình có thể tham khảo của các thầy cô hoặc trong các sách tham khảo. Chịu khó giải các đề mẫu từ dễ đến khó”.

Bước vào giảng đường đại học, Thanh Vy cho biết bản thân còn khá lạ lẫm với nhiều điều mới. Nhưng em luôn tin tưởng rằng với niềm đam mê của mình, em sẽ làm quen dần được với môi trường đại học, phấn đấu giành kết quả cao trong học tập.

Hiện tại em đang gửi hồ sơ xin xét cấp học bổng “Nâng bước thủ khoa” của Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và Báo Tiền Phong.

Thời gian sắp tới, cô thủ khoa dự định sẽ đi làm thêm để có thể đỡ đần giúp đỡ gia đình. Trong tương lai, Thanh Vy mong muốn mình sẽ học tập thật tốt và có điều kiện tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn.

(Theo Báo Trà Vinh)

Cô học trò nghèo có ước mơ thành bác sĩ, trở thành thủ khoa môn Sinh học

Với thành tích 18,25 điểm, Đinh Thị Huyền đến từ Trường THPT Nghi Lộc II là thủ khoa môn Sinh trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh 12. Đây là lần đầu tiên, ngôi trường vùng khó đạt được thành tích này.

Đinh Thị Huyền sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã miền núi Nghi Công Nam. Nhà có tới 5 anh chị em. Bố Huyền mất sớm, một mình mẹ phải bươn chải, nuôi 5 anh em ăn học nên hoàn cảnh gia gặp rất nhiều khó khăn.

Ảnh: Hòa Phương
Đinh Thị Huyền trong giờ học. Ảnh: Hòa Phương

Không tự ti, mặc cảm về hoàn cảnh, ngay từ nhỏ, Đinh Thị Huyền đã luôn chăm học và học rất giỏi. Trong 11 năm liền, em là học sinh giỏi toàn diện, được bạn bè nể phục về đức tính giản dị, chuyên cần.

Trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 vừa qua, Đinh Thị Huyền tham dự môn Sinh học và xuất sắc đạt 18,25 điểm - giành ngôi thủ khoa toàn tỉnh. Nói về thành tích của mình, nữ sinh có vóc dáng nhỏ bé, rụt rè này cho biết, khi thi xong, em đã biết mình sẽ đạt được số điểm như vậy nhưng em khá bất ngờ với ngôi vị thủ khoa môn Sinh. “Em nghĩ, nhiều bạn giỏi hơn em nhưng có lẽ do em may mắn hơn các bạn trong kỳ thi này”, Huyền tâm sự.

Ảnh: Phương Hòa
Đinh Thị Huyền cho biết, bí quyết của em là học chắc chắn kiến thức trong sách giáo khoa, có sự liên hệ với thực tiễn ở ngoài. Ảnh: Hòa Phương

Nữ thủ khoa chia sẻ, bí quyết để học giỏi môn Sinh là nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, tìm tòi thêm tài liệu và các đề thi để ôn luyện và có sự liên hệ với các sự vật, hiện tượng xung quanh. “Ở lớp em chăm chú học lý thuyết, về nhà giải bài tập. Nếu chưa hiểu thì hỏi thầy giáo. Thầy giáo dạy môn Sinh của em rất tận tâm và nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn các bạn tìm tòi những kiến thức, dạng đề thi mới...”, Huyền chia sẻ và cho biết, sau kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, em đang nỗ lực học tập để thi đậu vào Trường đại học Y Hà Nội nhằm hiện thực hóa giấc mơ trở thành bác sĩ.

Nói về cô học trò xuất sắc của mình, thầy giáo Sinh học Nguyễn Phú Hòa cho biết: Huyền là một học sinh hội tụ nhiều tố chất. Dù nhà có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn biết vượt khó vươn lên. Em chủ động trong việc học tập. Chịu khó tìm tòi, học hỏi  nên kết quả học tập của em đều rất tốt. Ngoài ra, Huyền còn là một học sinh rất hòa đồng, thân thiện và nhiệt tình trong công tác Đoàn của trường. Sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi cần thiết.

Ảnh: Phương Hòa
Đinh Thị Huyền và thầy giáo dạy môn Sinh học  Nguyễn Phú Hòa. Ảnh: Hòa Phương

Được biết, trong kỳ thi vừa qua, ngoài giải Nhất của Đinh Thị Huyền, đội tuyển Sinh học của Trường THPT Nghi Lộc II có thêm giải Nhì của em Nguyễn Thị Kiều Anh. Đây cũng là lần đầu tiên Trường THPT Nghi Lộc II có thủ khoa môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12. Thành quả này chính là nguồn cảm hứng để tất cả học sinh ngôi trường vùng miền núi này tiếp tục phấn đấu và nỗ lực...

(Theo Báo Nghệ An)

Cô Bé Đậu Thủ Khoa Đại Học Ngoại Thương với Ước Mơ Du Học Pháp

 Là học sinh xuất sắc của trường, từng sang Pháp dự hội thảo, Phan Thị Minh Nhân (trường THPT chuyên Hà Tĩnh) vẫn xúc động mạnh khi biết tin đậu thủ khoa khối D3 Đại học Ngoại thương Hà Nội với 25,75 điểm.

2-5303-1406639688.jpg

 

 

 

Phan Thị Minh Nhân (Lớp 12 chuyên Pháp, trường THPT Chuyên Hà tĩnh) kể rằng em run bần bật khi được bạn báo tin trở thành thủ khoa khối D3 của Đại học Ngoại thương với số điểm 25,75 (Toán: 7.5, Văn: 8.5, Tiếng Pháp: 9.75). "Khi đi thi về, em chấm được khoảng 24 điểm. Khi biết kết quả, em rất bất ngờ, tay cầm điện thoại mà run mạnh",  Nhân nói.

3-6675-1406639688.jpg

 

 

Trong 3 năm học phổ thông, Phan Thị Minh Nhân (trái) từng đoạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn tiếng Pháp. Năm lớp 12, cô học trò này đoạt giải 3 Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành Sư phạm Tiếng Pháp. Tuy nhiên, em vẫn dự thi ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương Hà Nội để thử sức mình. 

4-6502-1406639688.jpg

 

 

 

Nhà có hai chị em, Nhân là con út, ngoài việc học, hàng ngày cô trò nhỏ thường phụ giúp bố mẹ làm đá lạnh. 

5-2405-1406639688.jpg

 

 

Mong muốn sau này sẽ được du học tại Pháp, khám phá nền văn hóa và con người của đất nước hình lục lăng, hàng ngày Nhân thường vào các website tiếng Pháp để xem. Em từng là đại diện duy nhất của lớp tham gia khóa đào tạo ngắn hạn (3 tuần) tại vùng Bretagne của Pháp trong chương trình trao đổi học sinh các trường tại khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh.  

Theo cô, nước Pháp có kiến trúc cổ kính, lạ, phong cảnh đều như tranh vẽ. “Nhiều lần được sang Pháp chơi, em thấy môi trường của họ thân thiện, các trang thiết bị hiện đại. Em thích nhất trượt tuyết ở xứ sở này”, Nhân cười bẽn lẽn. Những dịp được sang Pháp, Nhân luôn mang theo hình Bác Hồ và những bức tranh về các danh lam thắng cảnh của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

7-2087-1406639688.jpg

 

 

"Nhân là học sinh giỏi của trường, tính cách vui vẻ, hòa đồng. Em có một trí nhớ cực tốt, cách học tiếng Pháp rất bài bản. Nhân “chậm mà chắc”, không học vội vã. Những kiến thức tích lũy được em phát triển nó lên một tầm cao mới", cô Nguyễn Thị Kiều Linh, giáo viên chủ nhiệm của Nhân cho biết.

9-2112-1406639688.jpg

 

 

Mẹ của Nhân, chị Nguyễn Thị Hương (46 tuổi, bên phải) rất tự hào về con gái. Dù Nhân được tuyển thẳng vào đại học nhưng khi em quyết định đi thi Ngoại thương, gia đình vẫn lo lắng bởi vì mỗi cuộc thi đều là một thử thách lớn.

10-7312-1406639689.jpg

 

 

Mỗi khi căng thẳng, Nhân thường nghe nhạc Pháp để giải tỏa tâm trạng. Thần tượng của em là Nick Vujicic. Cô thủ khoa cho biết ý chí, nghị lực, tinh thần lạc quan vượt lên hoàn cảnh của Nick luôn thôi thúc em phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Minh Nhân đang băn khoăn về quyết định lựa chọn ngôi trường đại học. Bố mẹ và mọi người khuyến khích em theo học ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương nhưng “máu” sư phạm vẫn sục sôi trong người cô học trò nhỏ.

(Theo VnExpress)

Bố Mẹ Phụ Hồ Nuôi Con Đoạt HCV Olympic Toán Quốc Tế

Ngày đưa con vào lớp 10 chuyên Khoa học tự nhiên ở Hà Nội, vợ chồng anh Hòa cũng khăn gói rời làng quê, lang bạt thủ đô làm thuê nuôi con.

5h sáng 14/7, gia đình của Nguyễn Thế Hoàn (lớp 11, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên) háo hức bắt xe lên sân bay đón nam sinh trở về sau kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2014. Người mẹ mặc chiếc sơ mi trắng cổ bèo, quần jean, dép quai hậu, tay cầm bó hoa, mắt không thôi hướng về cửa làm thủ tục. Gặp được con trai, chị Thạch ôm chầm lấy, mắt rớm lệ. "Con cái chăm ngoan, học giỏi là tài sản quý giá nhất của gia đình", người mẹ nói.

Hoàn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ba sào ruộng cấy lúa quanh năm của cha mẹ chẳng đủ nuôi 4 miệng ăn chứ chưa nói đến việc đóng học phí, mua sắm đồ cho hai cậu con trai đang tuổi lớn.

Thương bố mẹ làm lụng vất vả, Hoàn luôn chăm chỉ học hành. Với năng khiếu bẩm sinh, suốt những năm cấp 1, 2, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, rinh nhiều giải cao cấp tỉnh. Ngôi nhà nhỏ của gia đình em treo chi chít 34 giấy khen, bằng khen.

HCV-Olympic-Toan-Quoc-te-112-7720-140534

 

 

Nguyễn Thế Hoàn (lớp 11, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH QGHN) là một trong ba thí sinh của đoàn Việt Nam đoạt HCV Olympic Toán quốc tế 2014. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thi vào THPT, Hoàn đỗ liền ba trường chuyên Sư phạm Hà Nội, Khoa học tự nhiên và chuyên Thái Bình. Ước mơ là được học tại ngôi trường của nhiều anh chị đạt giải cao thi Olympic quốc tế như Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đăng Tuấn…, Hoàn xin bố mẹ cho lên Hà Nội học.

"Lúc đó con bảo, lên Hà Nội học cũng chỉ ăn từng ấy gạo thôi. THPT chuyên Khoa học tự nhiên lại là ước mơ từ lâu của cháu, thương Hoàn và mong con được học hành tiến tới, tôi cùng chồng quyết định lên Hà Nội làm thuê", chị Nguyễn Thị Thạch (38 tuổi), mẹ em Hoàn nói.

Ngày Hoàn nhập trường cũng là lúc bố mẹ em rời làng quê, khăn gói lên thủ đô đi phụ hồ. Vợ chồng anh chị không thuê nhà trọ mà công trình ở đâu thì dựng lều bạt sống tạm tại đó. Ngày ốm vừa vừa, khi nắng gắt, mưa bay, họ vẫn ra công trường luôn chân luôn tay đảo vữa, bê đồ. Mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được 6-7 triệu đồng. Quá nửa số đó dành đóng tiền học phí cho con và sinh hoạt. Số còn lại anh chị gửi về quê cho ông bà chăm sóc giúp cậu con út đang học lớp 9 chuyên Văn.

Chị Thạch mắt đỏ hoe nhớ những tháng con nhịn ăn sáng để tiết kiệm chi phí. Khi ốm, em cũng chẳng gọi phụ huynh vì sợ bố mẹ lo và phải tốn tiền. "Đến lúc con sốt cao, miệng nôn trôn tháo, bạn bè sợ quá gọi điện báo thì Hoàn mới để chúng tôi đưa vào viện truyền nước", chị Thạch kể.

Nhận được tiền học bổng, Hoàn đều đưa cho bố mẹ. Em động viên  đấng sinh thành giữ sức khỏe hoặc về quê cấy lúa, làm may cho đỡ nhọc nhằn. Hoàn dự định vào lớp 12 sẽ đi làm gia sư để đỡ đần bố mẹ.

Cha mẹ sống tạm trong lều bạt nhưng chưa một lần Hoàn tự ti trước chúng bạn, ngược lại em còn thấy tự hào. "Ai cũng có nghề nghiệp của mình và em tự hào khi có bố mẹ sống hết mình vì con", Hoàn tâm sự. Tấm HCV Olympic Toán quốc tế chính là món quà quý giá để em báo đáp công lao của bố mẹ.

Biết tin Hoàn giành HCV, mẹ em khóc mừng đến suýt ngất. Suốt ngày hôm đó, cả công trường nơi chị Thạch làm việc chỉ bàn tán và xuýt xoa ngưỡng mộ. Tại quê nhà Thái Bình, hai ngày liền ông bà của Hoàn chỉ lo tiếp họ hàng, bà con, thầy cô giáo… đến chia vui. Cả gia đình đều tự hào, mong ngóng từng ngày được đón con trai mang "vàng" về làng.

HCV-Olympic-Toan-Quoc-te-111-7817-140534

 

 

Nguyễn Thế Hoàn bên bố mẹ, em trai và ông ngoại.  Ảnh: Quỳnh Trang.

Chia sẻ về chiến thắng của bản thân, nam sinh lớp 11 THPT chuyên Khoa học tự nhiên cười hiền: "Em rất vui vì đạt được ước mơ thời học sinh của mình. Lúc thi xong, em chỉ nghĩ sẽ đạt HCB chứ chẳng tin được HCV". Trong đoàn thi Olympic Toán quốc tế của Việt Nam năm nay, Hoàn là thí sinh nhỏ tuổi nhất.

Những ngày ở Nam Phi thi đấu, Hoàn chia sẻ rằng, đoàn Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do đồ ăn lạ, chệch múi giờ và thời tiết đêm lạnh dưới 10 độ. Tuy nhiên, với sự quan tâm và những biện pháp hữu hiệu của các thầy, 6 học sinh đều khỏe mạnh, thoải mái thi cử.

Đề thi Toán Olympic quốc tế năm nay hơi khác một chút, chú trọng nhiều vào tổ hợp. Tuy nhiên, phần hình học – thế mạnh của Hoàn, vẫn có 2 câu trong bài thi. "Em cảm thấy rất may mắn vì điều đó. Lúc biết điểm 29 của mình cũng đoạt HCV, em thấy vui không chỉ cho riêng mình mà cả đoàn vì thành tích sẽ được nâng lên", Hoàn tâm sự.

Yêu thích môn học phải vận dụng và rèn luyện trí thông mình từ bé, Hoàn dự định sẽ theo Toán ứng dụng lâu dài. Dự định sắp tới của em là học thêm tiếng Anh để nộp hồ sơ xin học bổng du học. "Em sẽ cố gắng kiếm được học bổng cao để bố mẹ đỡ phải lo lắng chuyện học hành, chi phí", Hoàn chia sẻ.

(Theo VnExpress)

Chàng Thủ Khoa Một Mình Nuôi Dạy Hai Em Nhỏ

 Bố mẹ vào Sài Gòn lượm ve chai, từ lớp 8 Chiến đã một mình cơm nước, chăm sóc hai cậu em trai trong căn nhà lợp mái tôn chưa hoàn thiện.

Ngôi nhà mái tôn rộng chừng 20 m2 mới xây cuối con ngõ nhỏ xóm chợ, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) là nơi ở của gia đình thủ khoa khối A (24,75 điểm) ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) Trịnh Văn Chiến. Theo người bạn cùng ngõ, ngôi nhà này trước đây còn xập xệ, thấp bé, tồi tàn hơn rất nhiều.

"Ngày nào mưa em sang chơi cũng phải lội nước từ ngõ tới tận trong nhà. Lớp 6, Chiến một mình sống ở đó. Lên lớp 8, hai em trai bạn ấy về ở cùng để bố mẹ vào Nam làm ve chai. Nhiều hôm sang rủ Chiến đi học, em thấy mấy anh em xì xụp mỳ tôm hoặc ăn cơm nguội", người bạn chia sẻ.

Nhà chỉ có một sào ruộng, đồng lại ngập úng quanh năm nên vợ chồng anh Trịnh Văn Kháng (bố mẹ Chiến) mang theo hai con rời quê vào Nam kiếm sống. Mỗi năm, họ về thăm nhà 1-2 lần vào dịp lễ Tết. 10 năm bươn chải, vợ chồng anh Kháng xây được ngôi nhà cấp bốn "ngày hè nóng như lò bát quái, mùa đông lạnh căm căm" nhưng may mắn không ngập, giột để các con ở.

thu-khoa-dai-hoc-nhan-van-5-7039-1406782

 

 

Trịnh Văn Chiến (thứ hai từ phải sang trái) gầy nhom bên bố mẹ và hai cậu em trai. 5 năm qua, Chiến thay bố mẹ một mình chăm sóc các em học hành. Ảnh: Chung Anh.

Khi cậu út đến tuổi vào cấp I, vợ chồng anh Kháng đưa con ra Bắc để ba anh em Chiến tự lập học hành. Đến nay đã 5 năm, Chiến thay bố mẹ chăm nuôi các em.

"Hồi đầu bọn em sợ lắm. Nhà ở cuối ngõ heo hút nên mấy đứa chẳng dám đi đâu vì sợ ma. Những buổi tối, ba anh em nằm nhớ bố mẹ rồi ôm nhau khóc. Có lần em thứ hai bị ốm, anh chị họ gần nhà đi vắng hết, em phải chạy xuống nhà ngoại nhờ đưa nó ra trung tâm y tế huyện. May mà tình trạng em ấy không nguy hiểm", Chiến kể lại.

Là anh cả trong gia đình, Chiến chăm sóc hai em từng bữa ăn, giấc ngủ, nhắc nhở học bài. Sáng rang cơm nguội cho các em ăn rồi đi học, trưa, chiều đi học về Chiến lại tất bật hái rau, mua đậu nấu nướng. Nhiều lần bố mẹ chưa kịp gửi tiền về, mấy anh em ăn mỳ tôm qua ngày. Thi thoảng, Chiến sang họ hàng xin trứng gà về cải thiện bữa cơm. 

"Anh Chiến toàn nấu cơm, giặt giũ cho chúng em. Giờ em đã biết làm việc nhà giúp anh rồi", bé út tên Trường (10 tuổi) nói, mắt không rời những viên bi đang chơi với đám trẻ cùng ngõ. 

Bà Cấn (83 tuổi, hàng xóm) và cô giáo chủ nhiệm cấp ba Kiều Thị Lệ Thủy hết lời ca ngợi cậu bé nhà nghèo Trịnh Văn Chiến, một mình chăm nuôi hai em thành những đứa trẻ ngoan, học giỏi.

"Ba năm cấp ba, Chiến là học sinh tiên tiến và học rất tốt môn Toán. Em hòa đồng, chăm chỉ và hay tổ chức các nhóm học để tìm ra phương pháp học Toán, Hóa hiệu quả", cô chủ nhiệm nói.

thu-khoa-dai-hoc-nhan-van-4859-140678250

 

 

Ngôi nhà mái tôn của gia đình Chiến được xây cất từ tiền bố mẹ cậu dành dụm 10 năm làm ve chai. Ảnh: Quỳnh Trang.

Theo cô, Chiến là một đứa trẻ cá tính, nghị lực và quyết tâm học giỏi để thoát nghèo mạnh mẽ. Cuộc sống tự lập từ bé khiến em trở nên nghiêm khắc với bản thân, các em và bạn bè. Có lần em trai mắc lỗi, Chiến phạt em đứng nắng 2 tiếng đồng hồ. Cô chủ nhiệm biết chuyện, chỉ cho Chiến cách dạy dỗ khéo léo hơn. 

Hay tâm sự với cô giáo nhưng Chiến chưa bao giờ than phiền về sự nhọc nhằn, thiếu thốn. Có những lần, Chiến gầy rộc người đi vì ăn uống thiếu chất, cô giáo nhắc, em chỉ cười khì. Mẹ Chiến khi được cô chủ nhiệm gọi điện báo tin đã bao lần nức nở: Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi phải để các con ở nhà bơ vơ, trăm sự nhờ cô giáo giúp đỡ. 

Khoảng 6 tháng trước, mẹ Chiến về quê thu mua đồng nát để chăm sóc các con, giúp cậu cả có thời gian ôn thi đại học. Mới đây, bố Chiến cũng về thăm gia đình và tranh thủ phụ hồ kiếm thêm. 

Ngày biết tin con đỗ thủ khoa ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, vợ chồng anh Kháng mừng rơi nước mắt. Nhớ thời gian con đăng ký thi đại học, phải thuyết phục mãi Chiến mới thi thêm khối nữa. Tự tin đỗ trường đầu, Chiến bỏ luôn việc thi khối B và trường Y Hải Phòng để tiết kiệm tiền đi lại.

"Tính cách Chiến lúc nào cũng quyết đoán như thế, quyết gì là phải làm cho bằng được. Mấy hôm trước cháu lén nhà ra thủ đô kiếm việc, vợ chồng tôi phải thuyết phục mãi Chiến mới về nghỉ ngơi", anh Kháng mỉm cười nhìn con trai. 

Với giọng cương quyết, Chiến đáp lời bố rằng, sau khi nhập học sẽ làm thêm để bớt gánh nặng cho gia đình. Sắp tới, cậu cả phải học xa nên mẹ Chiến ở hẳn quê chăm sóc hai người em. Bố Chiến sẽ một mình vào Nam kiếm tiền nuôi gia đình. "Hai vợ chồng cùng làm mà đời sống còn chật vật, giờ một mình tôi thì cũng cứ cố gắng thôi chứ biết làm sao", anh Kháng tặc lưỡi.

(Theo Vnexpress)

Chàng Thủ Khoa Chăn Lợn

 Bố ở với mẹ cả, 18 năm Bắc cùng mẹ ruột dựa vào nhau sống dưới mái nhà cứ mưa lại dột, bữa ăn chỉ có cơm với rau. Mẹ cấy lúa, gánh gạch thuê, ngoài giờ học Bắc cơm nước, nấu cám, giúp mẹ chăm đàn lợn nái.

Giữa lớp lớp nhà lầu ở xóm chợ, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) lọt thỏm ngôi nhà cấp bốn tường tróc vữa, nhiều chỗ nứt rạn của mẹ con thủ khoa đại học Giao thông Vận tải Hà Nội Kiều Văn Bắc. Hai năm trước, chị Biên (46 tuổi), mẹ Bắc gom góp được ít tiền đảo lại những hàng ngói cũ mà 16 năm qua cứ trời mưa, mẹ con chị lại tất bật đi rải xô, chậu khắp nhà hứng nước. Tủ lạnh, bàn ghế trong nhà đều là đồ của họ hàng, làng xóm thương tình cho.

thu-khoa-chan-lon-4-5444-1407227433.jpg

 

 

Mẹ con thủ khoa đại học Giao thông Vận tải Kiều Văn Bắc. Ảnh:Quỳnh Trang.

Giọng trầm, người phụ nữ dáng gầy yếu nghèn nghẹn kể, năm 17 tuổi đã xuất giá lấy chồng. Hôn nhân lận đận, suốt mấy năm không sinh được con, bà buộc phải ly hôn rồi kiếm được mụn con với người đàn ông xã bên cạnh. "18 năm qua, hai mẹ con tôi nương tựa nhau mà sống. Bố em Bắc ở nhà bà cả. Năm Bắc cuối cấp này, bố em có quan tâm chuyện học, kinh tế nhiều hơn", bà Biên cúi mặt nói.

Một sào ruộng không mang lại đủ thóc lúa, bà Biên bươn chải đủ nghề: mướn ruộng hàng xóm cấy thuê, gánh gạch, vào Nam làm ve chai. Thương con phải xa mẹ, bà Biên nghĩ cách nuôi lợn nái. "Mỗi lứa lợn tôi đều phải vay nợ hơn 5 triệu tiền cám. Lúc xuất chuồng đàn lợn con cũng dư được vài triệu để lo chuyện học hành, ăn uống và cỗ bàn trong họ hàng, làng xóm", bà Biên kể. 

thu-khoa-chan-lon-1-2481-1407227433.jpg

 

 

Việc chăn nuôi con lợn nái mang lại nguồn thu chính cho gia đình Bắc. Ảnh:Quỳnh Trang.

Người mẹ gầy 38 kg tâm sự, nhiều lần biết con trai buồn chuyện gia đình vì bạn bè trêu chọc nhưng chưa bao giờ Bắc cất một tiếng than. Thay vào đó, em chăm chỉ học bài, lúc rảnh rỗi lại nấu cơm, giúp mẹ chăn lợn. Năm lớp 11, Bắc miệt mài học đến mức suy nhược cơ thể, cứ hai tuần phải nghỉ một lần rồi vào viện điều trị. Năm lớp 12, khám sơ tuyển thi Học viện Kỹ thuật quân sự, em bị thiếu cân nên không thực hiện được ước muốn.

"Bắc là học sinh giỏi toàn diện của lớp. Em hay tổ chức các buổi để bạn bè đến nhà cùng học nhóm. Bắc cũng đoạt nhiều thành tích cao trong học tập như: giải Ba thành phố môn Toán, giải Nhì thành phố thi giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Ba môn Toán liên trường", cô Kiều Thị Lệ Thủy, giáo viên chủ nhiệm cấp ba của Bắc cho biết. 

Cô giáo ba năm gắn bó với cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt này không khỏi ái ngại khi nhớ về bữa cơm của mẹ con Bắc thường chỉ có một ít rau. Thi thoảng lắm hai mẹ con mới được "ăn sang" thêm ít đậu hoặc thịt, cá. 

thu-khoa-chan-lon-3-1659-1407227433.jpg

 

 

Ngoài học Toán, Bắc còn thích đọc những tiểu thuyết kinh điển như "Ruồi trâu", "Bố già"... Để tiết kiệm tiền, em thường chờ bạn bè có sách, đọc xong rồi mượn lại. Nguồn sách tham khảo của Bắc chủ yếu ở thư viện trường. Ảnh:Quỳnh Trang.

Ngày biết tin Bắc đỗ thủ khoa (27 điểm) vào đại học Giao thông Vận tải, cô trò, mẹ con mừng rơi nước mắt. Bố của Bắc cũng hãnh diện gọi điện báo tin vui cho anh em, họ hàng. Từ tốn, có chút ngại ngùng khi chuyện trò, Kiều Văn Bắc bảo, động lực khiến em học tập là hình ảnh thân còm vất vả nuôi con của mẹ. 

Khoảng một tháng nữa sẽ lên thủ đô nhập học, Bắc nhẩm tính cần mua thêm 2 bộ quần áo bổ sung vào 2 bộ đã bạc màu của em. Dù được bố hứa sẽ trợ giúp vấn đề kinh tế nhưng cậu vẫn muốn làm thêm để hỗ trợ mẹ tiền ăn học. 

(Theo VnExpress)

Chàng Thủ Khoa 'Rau Muống' Xứ Thanh

Bạn bè gọi Nguyễn Kim Anh (thủ khoa khối B, Học viên Quân y) với cái tên thân mật - "thủ khoa rau muống", bởi sau mỗi giờ lên lớp, cậu học trò nghèo thường ra ruộng hái rau muống phụ mẹ lấy tiền đóng học và trang trải cuộc sống.

Hai ngày nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Kim Thoa và chị Đào Thị Hiền (ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) luôn rộn rã tiếng cười vì cậu con trai út Nguyễn Kim Anh (học sinh lớp 12C6, THPT Hàm Rồng) vừa nhận tin đỗ thủ khoa khối B, Học viên Quân y.

IMG-0433-JPG-4741-1406108784.jpg

 

 

Thủ khoa Học viện Quân y Nguyễn Kim Anh (thứ hai từ trái sang) hạnh phúc bên người thân và cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Lam Sơn.

Cậu học trò nghèo có thân hình mảnh khảnh, nhỏ thó, nước da đen nhẻm nhưng bù lại em có vầng trán rộng toát lên vẻ thông minh và nụ cười hóm hỉnh dễ gần. Kim Anh chia sẻ, đến giây phút này cậu vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì kết quả kỳ thi đại học vừa qua.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, Kim Anh đã vượt qua nhiều thử thách, mặc cảm vì cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm chân lấm tay bùn.

Ngay khi bước chân vào lớp 10 trường THPT Hàm Rồng, Nguyễn Kim Anh đã định hướng cho bản thân phải tập trung học thật tốt khối A để sau này thực hiện ước mơ thi vào Đại học Bách khoa hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân. Ba năm theo học ở trường trung học, Kim Anh đều đạt học sinh giỏi.

Bước sang lớp 12, từ chia sẻ, phân tích, động viên của bố mẹ, em tập trung học thêm môn Sinh để thi thêm khối B vào Học viện Quân y. Kim Anh bảo, bản thân cũng không ngờ, chính khối thi dự phòng này lại mang đến cho em kết quả tốt như vậy.

“Cách đây hai hôm, cô chủ nhiệm gọi điện thông báo, Học viện Quân y có điểm rồi. Cháu nhắn tin qua tổng đài thì họ báo cháu được 28,25 điểm, làm tròn thành 28,5, cộng thêm 0,5 điểm khu vực cháu được tổng 29 điểm. Dù số điểm khá cao nhưng cháu cũng không dám chắc mình có đỗ hay không vì Học viện Quân y thường lấy điểm rất cao. Mãi đến tối 21/7, cô Thủy gọi điện thông báo cháu đỗ thủ khoa, lúc này cả nhà vỡ òa sung sướng”, Kim Anh chia sẻ.

1-1175-1406108784.jpg

 

 

Sau mỗi giờ đến trường, Kim Anh lại ra đồng phụ mẹ hái rau muống bán. Ảnh: Lam Sơn.

Kim Anh cho rằng ngoài nỗ lực bản thân thì yếu tố may mắn đóng vai trò khá quan trọng trong việc thi cử. Ngoài kiến thức cơ bản, sự chăm chỉ, miệt mài ôn luyện, đến khi đi thi trúng được đề tương tự dạng từng gặp thì sẽ thuận lợi hơn. Hay khi làm bài cần cẩn trọng từng câu chữ vì có thể có những đề mẹo, nếu mình không tỉnh táo sẽ bị “sập bẫy”.

Ở khối A, Kim Anh thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, tuy chưa công bố điểm nhưng đối chiếu đáp án thì rất khả quan với kết quả đạt được chừng 28 điểm trở lên.

Chia sẻ về lý do chọn Học viện Quân y, Kim Anh chùng giọng: “Hoàn cảnh gia đình cháu đặc biệt khó khăn, mọi chi phí ăn học của ba chị em đều trông chờ vào đồng tiền còm cõi của bố quanh năm dãi dầu mưa nắng đi làm đá, làm thợ nề; mẹ chăm bẵm 3 sào lúa và vài sào rau muống. Cháu thi đỗ vào Học viện Quân y sẽ bớt đi phần vất vả cho cha mẹ và về tương lai công việc sau này cũng đỡ lo hơn”.

Anh Nguyễn Kim Thoa - bố tân thủ khoa Kim Anh tâm sự, rất day dứt vì phận làm cha mẹ mà để các con phải đối diện với cuộc sống thiếu thốn vật chất. Trước đây còn sức khỏe anh Thoa đi làm đá, mấy năm gần đây khi bước qua tứ tuần anh quay về làm thợ xây cho đỡ nhọc nhằn.

Bình quân mỗi ngày, anh kiếm được 150.000-200.000 đồng tiền công. Còn chị Hiền quanh năm gắn với đồng ruộng. Hết độ mùa màng chị lại quay sang chăm sóc 2 sào đất trồng rau muống. Chiều chiều chị hái rau mang ra chợ bán.

Trung bình mỗi tháng, vợ chồng anh Thoa kiếm được khoảng 6-7 triệu đồng. Một nửa trong số đó dành chu cấp cho cậu con trai thứ hai Nguyễn Kim Chung vừa hết năm ba Đại học Y Hà Nội. Cả nhà, bốn miệng ăn đều nhìn vào số còn lại.

Ánh mắt tự hào về cậu con trai vừa đỗ thủ khoa, anh Thoa tâm sự, trưởng thành trong gia đình khó khăn nên từ nhỏ Kim Anh đã biết cách sống tự lập. Nhà ở cách xa trường, mỗi ngày Kim Anh đều đạp xe tự đi. Hết giờ học, cậu tranh thủ ra đồng phụ mẹ hái rau muống, lúc rảnh rỗi, Kim Anh nấu cơm dọn nhà phụ cha mẹ.

3-5774-1406108784.jpg

 

 

Đỗ thủ khoa nhưng Kim Anh khá khiêm tốn, ngày ngày cậu trò nghèo vẫn miệt mài bên góc học tập.  Ảnh: Lam Sơn.

Cô Lê Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C6 trường THPT Hàm Rồng cho biết, Kim Anh được bạn bè và thầy cô quý mến vì bản tính hiền lành, kiên trì và cẩn thận. Khi thầy cô giao bài tập, em luôn hoàn thành từ bài dễ đến bài khó nhất chứ không chủ quan. Em được đánh giá là một trong những hạt giống của khối 12 nên đặt rất nhiều kỳ vọng. 

"Tôi đặc biệt ấn tượng với cậu học trò này vì tinh thần học tập nghiêm túc. Suốt ba năm, Kim Anh không bỏ một buổi học nào. Trong khi các bạn cách nhà 1-2 km đều đi học bằng xe đạp điện thì trung bình mỗi ngày Kim Anh phải đạp xe hai vòng (khoảng 40 km) đến trường. Thấy cậu học trò nhỏ (khoảng 40kg, cao chưa đầy 1,6 m) nhưng học rất giỏi, nhiều bạn trong trường tò mò tìm tới lớp 12C6 để "xem mặt", cô Thủy cho hay.

(Theo VnExpress)

Cha Mẹ Phụ Hồ Nuôi Con Đỗ Thủ Khoa

 Thương cha mẹ quanh năm bươn bả làm phụ hồ, bốc vác mưu sinh, cậu học trò nghèo Trần Quốc Tuấn (Thanh Hóa) ngày ngày học tập quên ăn, quên ngủ.

Với tổng điểm 28,5 (Toán 8,75 điểm, Hóa 9,75 điểm, Sinh 10 điểm), Trần Quốc Tuấn (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Yên Định 1) trở thành thủ khoa khối B Học viện Quân y năm 2014.

A1-Th-khoa-Tr-n-Qu-c-Tu-n-c-ng-2879-2555

 

 

Anh Thời và chị Xuyến quanh năm làm phụ hồ, bốc vác lo cho các con ăn học. Ảnh: Lê Hoàng. 

Vài ngày nay, hay tin Tuấn đỗ thủ khoa, bạn bè, người thân tìm đến nhà chia vui. Căn nhà nhỏ được xây dựng cách đây đã 4 năm nhưng chưa được quét vôi ve ở làng Hoạch Thôn, xã Định Tăng luôn đầy ắp tiếng cười nói. Anh Trần Doãn Thời và vợ tạm nghỉ công việc để chuẩn bị hành trang cho con trai nhập học xa nhà.

Nam tân khoa có đôi mắt rất hiền, tính tình có phần rụt rè nhưng nụ cười tươi rói luôn hiển hiện trên khuôn mặt chữ điền.

Anh Trần Doãn Thời, bố Tuấn tâm sự: “Chưa bao giờ tôi hạnh phúc như lúc này. Với bậc làm cha làm mẹ, việc con cái học hành đỗ đạt là niềm động viên lớn nhất để chúng tôi cố gắng lao động”.

Trần Quốc Tuấn là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em. Anh Thời cho hay, gia đình thuộc hộ nghèo của xã, biết cha mẹ thiếu thốn trăm bề nên suốt 12 năm học phổ thông, Tuấn chưa bao giờ kêu ca hay đòi hỏi bố mẹ phải mua cho cái này, cái kia.

"Nhiều khi nhìn con đạp chiếc xe cà tàng, đi đôi dép rách hay chiếc cặp không lành lặn dù cháu không một lời than phiền nhưng phận làm cha mẹ, vợ chồng tôi thương con vô cùng, nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong”, anh Thời chia sẻ.

Để nuôi các con ăn học, vợ chồng anh Thời bôn ba vào Nam ra Bắc làm phụ hồ, bốc đá, làm ruộng, chăn nuôi... kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và trả nợ ngân hàng.

S0422043-JPG-4356-1406693737.jpg

 

 

Góc học tập đơn sơ của tân khoa Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Lê Hoàng.

Gạt ngang dòng nước mắt, giọng tự hào về con trai, chị Lê Thị Xuyến tâm sự, từ nhỏ Tuấn đã rất ham học nên gia đình cũng dành thời gian tối đa cho con. Ngoài thời gian ở trường, Tuấn hầu như chỉ tự học ở nhà.

“Ban đêm cháu thường ngủ rất ít. Nhiều hôm tôi thức dậy đã 3h sáng mà vẫn thấy con cặm cụi bên bàn học. Giục con đi ngủ, nhưng nó cứ cười bảo còn vài bài tập muốn giải nốt. Có những hôm, Tuấn không vào giường vì sợ ngủ quên mà nằm gục ngay tại bàn học rồi đặt đồng hồ dậy sớm tiếp tục ôn bài...”, người mẹ kể.

Chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình, nam tân khoa cho hay, khi học phải có tâm trạng thoải mái. Ngoài chú ý nghe thầy cô giáo giảng trên lớp, khi về nhà em thường làm đi làm lại các dạng bài tập ở sách tham khảo hoặc đề thi của các trường những năm trước. Trước kỳ thi em học phương pháp giải nhanh, tự thi và tự chấm bài của mình.

Tuấn cho biết thêm, tổ chức học nhóm cũng là một cách để nâng cao kiến thức. Mỗi nhóm nên có 4 - 5 bạn bấm đồng hồ giải đề thi rồi chấm cho nhau, lúc đó bạn nào làm đúng thì giải đáp cho bạn sai để hiểu sâu vấn đề, câu nào khó quá thì đem đến nhờ thầy cô giúp đỡ.

Theo nam tân khoa, tự học vẫn là vấn đề quan trọng. Tuấn bảo, với em, học là niềm đam mê. Dường như lúc nào Tuấn cũng thấy thiếu thời gian để học, vì vậy em tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, khi ở nhà hay lúc thả bò ngoài đồng...

“Trước khi học em đeo vào chân một cái dây có gắn ba chai nước suối đựng đầy đất, nhỡ có ngủ quên thì có mấy cái chai đánh thức. Để việc học bớt căng thẳng, mệt mỏi, em đã tự nghĩ ra các dụng cụ giải trí như treo một bịch cát trong phòng để tập thể dục những lúc buồn ngủ, hay nghĩ ra các trò chơi tự chế để thư giãn…”, Tuấn kể.

Kì thi vừa qua, ngoài Học viện Quân y, Tuấn còn dự thi khối A Học viện Kỹ thuật Quân sự và đạt ngôi á khoa với 28 điểm (Toán 9, Hóa 10 và Lý 9). Tuấn cho biết, những năm phổ thông em chủ yếu tập trung vào các môn khối A, nhưng sang năm cuối cấp, em tranh thủ học thêm môn Sinh để thi thêm khối B, không ngờ môn Sinh em lại đạt điểm tuyệt đối.

“Nếu chọn một trong hai trường em có thể sẽ chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự vì em rất thích nghiên cứu khoa học kỹ thuật”, Tuấn cho hay.

1-JPG-3347-1406693737.jpg

 

 

Tuấn chia sẻ, để "đánh tan" cơn buồn ngủ mỗi lúc học bài, em thường treo chai lọ đựng cát quanh phòng học để tập thể dục. Ảnh: Lê Hoàng.

Chia sẻ về lý do chọn hai trường quân đội, Tuấn giải thích, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Bố mẹ chủ yếu làm nông nghiệp, trong khi đó chị gái em cũng đang học đại học hệ dân sự nên khá tốn kém. Nếu em học ở trường quân đội, bố mẹ sẽ vơi bớt gánh nặng vì không phải chu cấp tiền ăn học cho em”, Tuấn nói.

“Mọi người trong gia đình đều hướng cho Tuấn học ngành y nhưng em nó lại thích trường kỹ thuật hơn nên gia đình sẽ tôn trọng sự lựa chọn của con để em theo đuổi niềm đam mê của mình”, mẹ Tuấn nói.

Nhận xét về học trò cưng vừa đỗ thủ khoa, thầy Lê Văn Hiển, Phó hiệu trưởng THPT Yên Định 1 cho biết, Tuấn là một học sinh nghèo nhưng tư chất rất thông minh và chịu khó.

Ba năm học THPT em luôn là học sinh xuất sắc của trường. Năm học lớp 11, Tuấn đạt giải nhì cấp tỉnh kỳ thi học sinh giỏi giải Toán trên máy Casio, năm lớp 12, Tuấn tiếp tục đạt giải nhì cấp tỉnh kỳ thi học sinh giỏi môn Lý… Dù học giỏi nhưng em luôn sống rất hòa đồng, tận tình giúp đỡ bạn bè trong học tập cũng như cuộc sống.

(Theo VnExpress)

Wednesday, November 23, 2022

Cô Bé Chăn Bò Thành Thủ Khoa Đại Học

 Tranh thủ thời gian đi chăn bò, nấu cám lợn giúp mẹ, Hà mang sách vở ra ôn tập và đã đậu thủ khoa Đại học Quảng Nam.

Nhà nghèo không có tiền đi luyện thi đại học, Hà tranh thủ thời gian chăn bò hay nấu cám lợn để ôn thi. Ảnh: Tiến Hùng.

Vì trận ốm nặng trong đợt thi đại học một năm về trước, Đoàn Thị Thu Hà (THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam) phải nhận kết quả không tốt. Đó là cú sốc lớn khiến nữ sinh 11 năm là học sinh giỏi tuyệt vọng với bản thân. Được gia đình và bạn bè động viên, Hà quyết tâm thi lại. Kỳ tuyển sinh năm 2014, em đậu thủ khoa của ĐH Quảng Nam với 23 điểm, khối A.

Thủ khoa ĐH Quảng Nam Đoàn Thị Thu Hà và người mẹ tảo tần. Cuối năm ngoái, bố Hà qua đời, một mình người mẹ chạy vạy nuôi hai con ăn học. Ảnh: Tiến Hùng.

Dẫn đàn bò từ đồng trở về trong buổi chiều tắt nắng, Hà cho biết: "Nhà chỉ có một sào ruộng, phải nuôi em và anh trai đang học ĐH Quảng Nam nên mẹ đi làm thêm. Bố em vừa mất cuối năm ngoái". Thương mẹ một mình lầm lũi nuôi con, hằng ngày sau khi tan học Hà lại giúp mẹ công việc gia đình. Em tranh thủ những lúc rảnh rỗi khi thả bò ngoài đồng hay nấu cám lợn để học ôn đại học.

Với ước mơ trở thành một giáo viên dạy Toán, Hà quyết định thi vào ĐH Quảng Nam. 

Bà Nguyễn Thị Lan (52 tuổi, mẹ của Hà) cho biết lúc bố em còn sống, gia đình có chút tiền để lo cho người anh đang học ĐH Quảng Nam. Khi ông ra đi, trụ cột trong nhà bị mất, cuộc sống trở nên bế tắc. Khi nhận được tin con gái đỗ thủ khoa, thay vì hét lên vui sướng, hai mẹ con bà Lan chỉ ôm nhau khóc ròng.

"Nhà có 4 con bò, sắp tới chắc sẽ bán bớt 2 con để lo cho Hà nhập học. Nếu không đủ, tôi sẽ cùng con xuống thành phố làm thuê", bà Lan lấy tay gạt nước mắt.

Thành tích thủ khoa đại học tiếp thêm cho nữ sinh nghèo sự quyết tâm, động lực bước vào cánh cổng đại học. Đây cũng là món quà Hà muốn gửi tới người bố ở thế giới bên kia. "Năm ngoái em trượt đại học, mọi thứ như sụp đổ trước mắt. Lúc đó nhờ có bố ở bên động viên, tạo điều kiện cho em tiếp tục ôn thi. Dù bây giờ bố đã mất nhưng em mong kết quả này làm bố vui lòng", Hà ngậm ngùi chia sẻ.

Thủ khoa ĐH Quảng Nam dự định, sau khi vào trường sẽ kiếm học bổng để san sẻ khó khăn kinh tế với mẹ.

Chia sẻ bí quyết đạt điểm cao, Hà cho rằng, khi làm bài nên chọn những câu hỏi dễ làm trước để lấy điểm chắc và đỡ phí thời gian. Khi ôn thi, riêng môn Toán cần tập giải nhiều dạng bài, môn Vật lý phải học thật chắc lý thuyết.

Nhận xét về người học trò cưng, cô Hoàng Thị Vĩnh Trinh (THPT Trần Cao Vân) cho biết: "Hà là học sinh giỏi của trường. Dù năm ngoái thi trượt đại học nhưng kết quả thủ khoa năm nay của em không làm tôi bất ngờ. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn song Hà luôn rất nghị lực".

(Theo VnExpress)

=============

Tổng kết nhỏ:

Qua bài viết trên, chúng ta có thể thấy những bí quyết thành công chính của em Hà là:  

1. Nghị lực cao, vượt khó khăn, học tập chăm chỉ, tự giác.

2. Yêu thương gia đình, thầy cô, bạn bè.

3. Ước mơ rõ ràng:  trở thành cô giáo dạy Toán.

4. Nhận được sự động viên, yêu thương từ gia đình: Khi trượt đại học lần đầu, được bố động viên, khích lệ. 

5. Quyết tâm theo đuổi ước mơ: "Thương mẹ một mình lầm lũi nuôi con, hằng ngày sau khi tan học Hà lại giúp mẹ công việc gia đình. Em tranh thủ những lúc rảnh rỗi khi thả bò ngoài đồng hay nấu cám lợn để học ôn đại học."

6. Hà là một tấm gương rèn luyện TAM BẢO về Trí tuệ, Đạo đức và Nghị lực. 

==========================

Chúc cha mẹ và gia đình luôn tràn đầy tình yêu thương, cùng rèn luyện TAM BẢO  để chắp cánh cho những ước mơ tốt đẹp của thế hệ trẻ! 

 (Bạn muốn biết cách LẮNG NGHE để thấu hiểu và khơi gợi ước mơ tốt đẹp trong con. Hãy click cuốn cẩm nang ĐÔI TAI KIM CƯƠNG dưới đây nhé)


Blog Làm Bạn Với Con, Hạnh Phúc Mỗi Ngày

Phạm Văn Linh - Cậu Học Trò Nghèo Thủ Khoa Toàn Quốc, Chưa Một Ngày Học Thêm

  (Dân trí) - Bố mất, con nhà nghèo, em Phạm Văn Linh luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Đạt kết quả thủ khoa toàn quốc với tổng điểm thi là 56,85, tất cả các môn đều trên 9 điểm.

Em Phạm Văn Linh - thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: NVCC).

Mức điểm cụ thể của thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 như sau: Toán 9,2 điểm; Ngữ văn 9,25 điểm; Lịch sử 10 điểm; Địa lý 9,25 điểm; Giáo dục công dân 9,75 điểm, KHXH 9,67 và Ngoại ngữ 9,4 điểm.

Nhắc đến tên em Phạm Văn Linh, lớp 12M, trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) bạn bè và thầy cô giáo luôn đầy tự hào. Mới đây, Linh trở thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 càng làm cho mọi người trân trọng hơn vì những nỗ lực của cậu học trò nghèo đã được đền đáp.

Sau khi biết điểm thi và trở thành thủ khoa, Linh khiêm tốn cho biết: "Số điểm thi của em không lệch nhiều so với kết quả trước đó khi đối chiếu với đáp án thi. Em vô cùng bất ngờ khi mình trở thành thủ khoa toàn quốc về tổng điểm thi. Em và mẹ đều rất vui".

Chị Nguyễn Thị Hà (mẹ em Linh) nói: "Biết tin con đạt điểm cao tôi mừng lắm. Mấy ngày qua không ngủ, càng phấn khởi hơn khi con là thủ khoa toàn quốc. Cả nhà mừng rơi nước mắt".

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua em Linh đạt tổng điểm 56,85. Trong đó tất cả các môn thi của em đều đạt trên 9 điểm. Khi được hỏi về bí quyết thành công trong học tập, em Linh khiêm tốn bảo: "Em không có bí quyết gì ngoài tự học".

Cậu học trò nghèo thủ khoa toàn quốc, chưa một ngày học thêm - 2

Bạn bè chúc mừng Linh đạt điểm cao và trở thành thủ khoa (Ảnh: NVCC).

Nói rồi Linh tâm sự: "Em chưa bao giờ đi học thêm bên ngoài. Thời gian học chính của em là ở trường và ở nhà. Các môn học đều được em phân bổ thời gian hợp lý. Em thích học tất cả các môn nhưng nhỉnh hơn có lẽ là Tiếng Anh, sau đó đến Toán và Văn".

Về thời gian biểu trong ngày của mình, chàng thủ khoa cho biết, thời gian trong ngày em học tập trên lớp. Sau giờ học buổi chiều em dành từ 15 - 30 phút ở lại lớp tự học với các bạn. Thời gian buổi tối ở nhà em không học khuya quá, tầm 22 giờ, hôm nào muộn thì đến 23 giờ là đi ngủ.

Điều làm cho mọi người khâm phục và trân trọng ở chàng thủ khoa là sự nỗ lực, vượt khó vươn lên. Linh có hoàn cảnh rất đặc biệt, là con nhà nghèo, bố em ốm đau thường xuyên và mất cách đây một năm.

Cậu học trò nghèo thủ khoa toàn quốc, chưa một ngày học thêm - 3

Chàng thủ khoa chia sẻ, chưa bao giờ học thêm, bí quyết thành công trong học tập là tự học (Ảnh: NVCC).

Một mình mẹ làm công nhân tần tảo nuôi 2 anh em Linh ăn học. Hàng ngày chị Hà đi làm từ sáng cho đến tối mới về, Linh và cậu em trai ở nhà tự cơm nước và giúp mẹ làm các công việc nhà. Mỗi khi có thời gian hay ngày chủ nhật được nghỉ học, Linh cùng em trai ra đồng giúp mẹ thu hoạch lạc, hoặc phụ giúp các công việc trồng lúa.

Thấu hiểu được những khó khăn của gia đình, 12 năm qua Linh luôn luôn cố gắng hết mình. Thành quả xứng đáng được đền đáp khi 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Năm học lớp 12 vừa qua, em Linh đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh và giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi tổ hợp khối D1. "Thầy cô luôn là những người đồng hành dạy dỗ, chỉ bảo tận tình cho em những kiến thức quý báu. Vì thế trên lớp em ghi nhớ luôn được các kiến thức cơ bản, khi về nhà em ôn lại, làm các bài tập mà mở rộng thêm kiến thức, vì thế mới tiến bộ được" - em Linh cho hay.

Cậu học trò nghèo thủ khoa toàn quốc, chưa một ngày học thêm - 4

Linh chia sẻ, sẽ cố gắng trở thành lập trình viên trong tương lai (Ảnh: NVCC).

Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12M Trường THPT Yên Khánh A cho biết: "Linh là tấm gương sáng cho các bạn học sinh trong lớp noi theo cả về học tập, nghị lực sống và sự nỗ lực vươn lên. Là học sinh giỏi đồng đều các môn nên hay giúp đỡ các bạn trong học tập. Là thủ lĩnh Đoàn, Linh luôn hòa nhã, năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động chung của lớp".

Cô Thủy tâm sự thêm, Linh là cậu học trò giàu lòng tự trọng, có tấm lòng nhân ái, luôn biết nghĩ cho người khác. "Cách đây 3 năm, em đạt 27 điểm kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường xét thành tích và hoàn cảnh gia đình đã dành tặng em suất học bổng thường niên (của đơn vị tài trợ trị giá 16 triệu đồng/năm học, duy trì trong những năm học THPT và có thể tiếp tục ở bậc đại học). Tuy nhiên, Linh đã từ chối không làm hồ sơ để nhường cơ hội cho bạn khác" - cô Thủy chia sẻ.

Ban giám hiệu trường THPT Yên Khánh A cho biết, tới đây Đảng bộ nhà trường sẽ kết nạp em Phạm Văn Linh đứng vào hàng ngũ của Đảng. "Thành tích học tập cũng như các phong trào, hoạt động trong suốt 3 năm qua của em Linh xứng đáng có được thành quả đó" - lãnh đạo nhà trường nói.

Với kết quả điểm thi cao, em Linh cho biết sẽ có nguyện vọng xét tuyển tổ hợp D1 vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. "Em sẽ tiếp tục nỗ lực học tập tốt để hiện thực hóa ước mơ trở thành lập trình viên trong tương lai. Khi bước chân vào trường đại học, em sẽ cố gắng giành được học bổng, bên cạnh đó đi làm thêm để có thêm tiền trang trải cho mẹ bớt lo chi phí" - em Linh nói.

Qua bài chia sẻ về em Phạm Văn Linh, chúng ta có thể thấy Bí quyết thành công của cậu thủ khoa toàn quốc là:

1. Có ý thức TỰ HỌC, tự giác, chủ động, tập trung

2. Có tình yêu thương lớn dành cho gia đình, dành cho mẹ. 

3. Là người tử tế, yêu thương, trách nhiệm, vị tha, biết giúp đỡ bạn bè.

4. Nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội.

5. Có ước mơ rõ ràng từ sớm: Muốn trở thành Lập trình viên. 

6. Biết cách học khoa học, giữ sức khỏe tốt.

7. Cân bằng trong cuộc sống: Giữ cân bằng về thời gian học tập và lao động chân tay, giúp đỡ gia đình. Nhờ vậy, em Linh vừa có tâm trí khỏe, vừa có thân thể khỏe.

8. Việc tự học giúp em mở rộng trí tuệ một cách sâu sắc. Học đâu, thực hành đó, hiểu đó, có thể giảng giải lại cho bạn bè. 

--------------------

Chúc cha mẹ và gia đình luôn tràn đầy tình yêu thương, cùng rèn luyện Tam bảo: Trí tuệ, Đạo đức, Nghị lực để chắp cánh cho những ước mơ tốt đẹp của các con nhé! 

 (Bạn muốn biết cách LẮNG NGHE để thấu hiểu và khơi gợi ước mơ tốt đẹp trong con. Hãy click cuốn cẩm nang ĐÔI TAI KIM CƯƠNG dưới đây nhé)


 Phạm Văn Linh - Cậu Học Trò Nghèo Thủ Khoa Toàn Quốc, Chưa Một Ngày Học Thêm

Monday, November 21, 2022

DÙNG NGHÈO ĐỂ NUÔI CON TRAI, DÙNG GIÀU ĐỂ NUÔI CON GÁI

Nghèo khó để bồi dưỡng ý chí cho con trai, nhưng sự giàu có sẽ giúp con gái bạn lớn lên không bị choáng ngợp bởi hư vinh. Nuôi dạy con trai và con gái không giống nhau. Có 3 điều cần tránh khi nuôi con trai và 5 điều cần tránh khi nuôi con gái mà cha mẹ nên biết càng sớm càng tốt
 
 
⁉️3 điều cần tránh khi nuôi con trai
 
1. Nuôi con trai tránh giàu
 
Người ta thường nói rằng "nghèo nuôi con trai, giàu nuôi con gái". Ý nghĩa quan trọng của "nghèo" nuôi con trai là thông qua cảm nhận sự nghèo khó và gian khổ của bản thân mà từ đó rèn luyện và bồi dưỡng phẩm chất, ý chí cho con. Điều này có nghĩa, khi giáo dục con trai nên nghiêm khắc hơn, đặc biệt đối với vật chất. Hãy để con chịu khổ chút ít, để con trải nghiệm thất bại, rèn luyện tính tự lập và chịu trách nhiệm...
 
2. Không nên để con trai phụ thuộc vào mẹ
 
Bố mẹ nên tách con trai khỏi mình sớm hơn con gái, tránh để con phụ thuộc. Đặc biệt không nên để con trai quá quyến luyến mẹ. Trẻ trai tách dần khỏi bố mẹ sẽ sớm học cách quyết đoán khi làm việc, như vậy khi lớn lên sẽ trở nên độc lập và dễ dàng thích nghi với xã hội này.
 
3. Tránh con trai quá lôi thôi, lếch thếch
 
Một số cha mẹ nghĩ rằng con trai lôi thôi không có vấn đề gì. Thực sự đây là một suy nghĩ sai lầm, con trai nên sạch sẽ và gọn gàng. Cho dù con có tướng mạo bình thường, nhưng nhất định phải để ăn mặc chỉnh tề, vệ sinh sạch sẽ. Điều này dễ để lại ấn tượng tốt cho mọi người, có lợi cho sự phát triển tương lai của con sau này.
 
⁉️ 5 điều cần tránh nuôi con gái
 
1. Tránh nuôi con gái thiếu thốn, tội nghiệp
 
Thông thường, con trai và con gái không giống nhau về giáo dục. Đối với con gái, nên dùng sự "giàu có" để dạy. "Giàu" ở đây nghĩa là ngay từ lúc còn nhỏ cha mẹ nên chú trọng bồi dưỡng khí chất, bồi dưỡng tri thức cho con, sau này lớn lên sẽ giúp con có tính cách độc lập, không dễ bị choáng ngợp và hấp dẫn bởi những thứ hào nhoáng hư vinh, cũng không vì những thứ đó mà con làm mất đi bản thân mình.
Giàu nuôi con gái còn thể hiện ở việc luôn khuyến khích, cổ vũ, dùng những lời lẽ yêu thương.
 
2. Không độc lập
 
Con gái nên học cách tự lập, để không dựa dẫm vào người khác. Bằng cách này, sau khi kết hôn, con gái sẽ không dựa dẫm vào chồng. Phụ nữ một khi dựa vào thứ gì đó thì đã rơi vào thế yếu. Khi bị bỏ rơi, cô ấy cảm thấy rất khó sống sót.
 
3. Tính khí nóng nảy
 
Nhiều cô gái ở nhà được bố mẹ xem như công chúa, cần gì có đó. Nếu như không đạt được thứ đồ mong muốn, sẽ bắt đầu nổi nóng và làm loạn. Những cô gái mất bình tĩnh như vậy dễ bị ảnh hưởng đến sự trưởng thành, cũng không được nhiều người yêu thích. Cho nên về phương diện dạy con gái, cần dạy con bình tĩnh, dịu dàng chứ không phải hèn nhát.
 
4. Quá nũng nịu
 
Nhiều người thích con gái làm nũng, song làm nũng chút ít thì dễ thương, còn thái quá thì chỉ khiến người khác không chịu nổi. Mọi người sẽ nghĩ đây là một cô gái buông thả, không có năng lực.
 
5. Trọng nam khinh nữ
 
Một số người già vẫn còn tư tưởng phong kiến, cho rằng con gái sớm muộn cũng gả cho người ta, cho nên, chỉ cần nuôi nấng đến khi trưởng thành là được, nếu như trong một thời gian dài thiếu hụt tình yêu sẽ khiến con gái rất dễ tự ti.
 
Ngoài ra, một số người vẫn còn quan niệm, con gái sau này phải lấy chồng, nên không cần học nhiều, mà không nghĩ đến bằng cấp cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc của con sau này.
 
Nguồn: Sưu tầm
 
Theo Blog Làm Bạn Với Con, thì để nuôi dạy con trưởng thành hạnh phúc, thì cha mẹ cần chú ý vun bồi cho con phát triển thật vững 3 gốc là Trí tuệ, Đạo Đức và Nghị lực. Cha mẹ hãy đồng hành và làm gương về sự vun bồi 3 gốc này cho các con nhé!

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân

Clip Câu Chuyện Hay Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân
Rèn Luyện Đạo Đức, Trí Tuệ và Nghị Lực Cùng Con

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân

Happy Book - Thấu hiểu và Phát triển bản thân
Số Học Ứng Dụng - Công cụ giúp cha mẹ Nuôi dạy con Trưởng thành trong Hạnh phúc