Bố ở với mẹ cả, 18 năm Bắc cùng mẹ ruột dựa vào nhau sống dưới mái nhà cứ mưa lại dột, bữa ăn chỉ có cơm với rau. Mẹ cấy lúa, gánh gạch thuê, ngoài giờ học Bắc cơm nước, nấu cám, giúp mẹ chăm đàn lợn nái.
Giữa lớp lớp nhà lầu ở xóm chợ, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) lọt thỏm ngôi nhà cấp bốn tường tróc vữa, nhiều chỗ nứt rạn của mẹ con thủ khoa đại học Giao thông Vận tải Hà Nội Kiều Văn Bắc. Hai năm trước, chị Biên (46 tuổi), mẹ Bắc gom góp được ít tiền đảo lại những hàng ngói cũ mà 16 năm qua cứ trời mưa, mẹ con chị lại tất bật đi rải xô, chậu khắp nhà hứng nước. Tủ lạnh, bàn ghế trong nhà đều là đồ của họ hàng, làng xóm thương tình cho.
Giọng trầm, người phụ nữ dáng gầy yếu nghèn nghẹn kể, năm 17 tuổi đã xuất giá lấy chồng. Hôn nhân lận đận, suốt mấy năm không sinh được con, bà buộc phải ly hôn rồi kiếm được mụn con với người đàn ông xã bên cạnh. "18 năm qua, hai mẹ con tôi nương tựa nhau mà sống. Bố em Bắc ở nhà bà cả. Năm Bắc cuối cấp này, bố em có quan tâm chuyện học, kinh tế nhiều hơn", bà Biên cúi mặt nói.
Một sào ruộng không mang lại đủ thóc lúa, bà Biên bươn chải đủ nghề: mướn ruộng hàng xóm cấy thuê, gánh gạch, vào Nam làm ve chai. Thương con phải xa mẹ, bà Biên nghĩ cách nuôi lợn nái. "Mỗi lứa lợn tôi đều phải vay nợ hơn 5 triệu tiền cám. Lúc xuất chuồng đàn lợn con cũng dư được vài triệu để lo chuyện học hành, ăn uống và cỗ bàn trong họ hàng, làng xóm", bà Biên kể.
Người mẹ gầy 38 kg tâm sự, nhiều lần biết con trai buồn chuyện gia đình vì bạn bè trêu chọc nhưng chưa bao giờ Bắc cất một tiếng than. Thay vào đó, em chăm chỉ học bài, lúc rảnh rỗi lại nấu cơm, giúp mẹ chăn lợn. Năm lớp 11, Bắc miệt mài học đến mức suy nhược cơ thể, cứ hai tuần phải nghỉ một lần rồi vào viện điều trị. Năm lớp 12, khám sơ tuyển thi Học viện Kỹ thuật quân sự, em bị thiếu cân nên không thực hiện được ước muốn.
"Bắc là học sinh giỏi toàn diện của lớp. Em hay tổ chức các buổi để bạn bè đến nhà cùng học nhóm. Bắc cũng đoạt nhiều thành tích cao trong học tập như: giải Ba thành phố môn Toán, giải Nhì thành phố thi giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Ba môn Toán liên trường", cô Kiều Thị Lệ Thủy, giáo viên chủ nhiệm cấp ba của Bắc cho biết.
Cô giáo ba năm gắn bó với cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt này không khỏi ái ngại khi nhớ về bữa cơm của mẹ con Bắc thường chỉ có một ít rau. Thi thoảng lắm hai mẹ con mới được "ăn sang" thêm ít đậu hoặc thịt, cá.
Ngày biết tin Bắc đỗ thủ khoa (27 điểm) vào đại học Giao thông Vận tải, cô trò, mẹ con mừng rơi nước mắt. Bố của Bắc cũng hãnh diện gọi điện báo tin vui cho anh em, họ hàng. Từ tốn, có chút ngại ngùng khi chuyện trò, Kiều Văn Bắc bảo, động lực khiến em học tập là hình ảnh thân còm vất vả nuôi con của mẹ.
Khoảng một tháng nữa sẽ lên thủ đô nhập học, Bắc nhẩm tính cần mua thêm 2 bộ quần áo bổ sung vào 2 bộ đã bạc màu của em. Dù được bố hứa sẽ trợ giúp vấn đề kinh tế nhưng cậu vẫn muốn làm thêm để hỗ trợ mẹ tiền ăn học.
(Theo VnExpress)
0 comments:
Post a Comment